Tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP HCM
Đó là nhận định của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM tại họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2024, chiều 1/7.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, quý 1 và quý 2 tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố chỉ đạt hơn 6%, sang quý 3 và quý 4 phải đạt 7 – 8%. Như vậy, thành phố mới đạt được kế hoạch tăng trưởng kinh tế đã đề ra trước đó.
Đề cập đến tăng trưởng kinh tế thành phố, ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM cho rằng, kinh tế TP HCM 6 tháng năm 2024 có tích cực nhưng chậm lại. Cụ thể, một số ngành tăng trưởng chậm, thậm chí là giảm, quý 2 giảm hơn so với quý 1.
Theo Cục Thống kê thành phố, chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống 6 tháng đầu năm 2024 giảm 2,3% so với cùng kỳ. Bao gồm: Ngành sản xuất trang phục giảm 0,9%; ngành dệtgiảm 1,7%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ như: Phân khoáng hoặc phân hoá học giảm 15,5%; giày dép thể thao giảm 6,9%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 năm 2024 ước tính giảm 2,2% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 năm 2024 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và giảm 23,7% so với cùng kỳ. Cụ thể, một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 97,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 91,2%; sản xuất than cốc sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 53,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 39,6%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 37,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 32,6%.
Đáng chú ý, giải ngân đầu công của thành phố chỉ đạt 12,8%, quý 2 thấp hơn so với quý 1, làm ảnh hưởng đến tiến độ đặt ra là 22%. Trong khi giải ngân đầu tư công của cả nước gấp đôi TPHCM, các tỉnh cũng ở mức từ hai mấy đến 30%.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP HCM, tính đến ngày 28/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố đã giải ngân là 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận định, việc giải ngân đầu tư công thấp làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của thành phố.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong thời gian tới, ông Hoàng cho rằng, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính với những chương trình bình ổn giá, kích cầu mua sắm. Ngoài ra, chi ngân sách cũng cần triển khai không để dồn đến cuối năm, đầu tư công cũng cần quan tâm hơn nữa. Tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu cho hàng hóa trong nước.