Dòng vốn và việc thúc đẩy “xanh hóa” trong sản xuất
Theo PGS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM), doanh nghiệp (DN) phải sớm áp dụng hình thức sản xuất xanh. Vì sản xuất xanh, sản phẩm đang là xu hướng chung của toàn cầu. Ở góc độ DN trong lĩnh vực sản xuất cơ khí máy móc và thiết bị, ông Trần Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TPHCM cho rằng, việc chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, xuất khẩu xanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba) thì DN phải xanh hóa sản xuất, vì việc này đem lại nhiều lời ích cho DN. “Để quá trình xanh hóa diễn ra, quan trọng nhất là tầm nhìn của DN. Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của quá trình xanh hóa, cần khẳng định rằng, nếu không xanh hóa thì không có tương lai” - ông Hòa nói.
Bà Võ Thị Liên Hương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin cho rằng, nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí thì bây giờ xanh hóa nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Khi ta có sản phẩm xanh, ta dễ dàng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đây cũng là tấm “hộ chiếu xanh” quyền lực toàn cầu cho DN.
Theo các chuyên gia kinh tế, để DN Việt ngày càng “xanh” hơn, rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành; cần tiếp tục xây dựng khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. Cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành; lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Huba - ông Nguyễn Ngọc Hòa, thì vốn chính là vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi sản xuất. TPHCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%. Từ đó, ông Hòa cũng kiến nghị UBND TPHCM sớm ban hành quyết định triển khai nghị quyết này để tạo điều kiện nguồn vốn cho DN.
Trong khi đó, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Bộ đề ra mục tiêu về phát triển thương mại xanh giai đoạn đến năm 2025 là thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại. Mục tiêu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu, bia, nước giải khát, giấy.... Đồng thời, 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững và các mô hình kinh tế tuần hoàn...