Quốc tế

Một mùa hè khác thường

Thế Tuấn 02/07/2024 08:45

Kết thúc tháng 6, nhóm các nhà khoa học của tổ chức World Weather Attribution đưa ra nhận xét, mùa hè 2024 có thể là “mùa hè điên rồ” nhất từ trước tới nay.

anhbaitren-16.jpg
Nông dân tranh thủ uống nước trong giờ nghỉ trưa khi làm việc trên cánh đồng Karnal (bang Haryana, Ấn Độ). Ảnh: REUTERS.

Mặc dù đã được cảnh báo trước về một mùa hè 2024 gay gắt và đổ lửa, nhưng những gì mà thế giới trải qua trong tháng 6 với nắng nóng cực đoan, đầy khắc nghiệt, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người một lần nữa cho thấy mùa hè năm nay sẽ nóng chưa từng có.

Tại Saudi Arabia, chỉ trong ngày 15 và 16/6 đã có gần 600 người hành hương tử vong dưới cái nóng 52 độ C. Đến nay con số thương vong đã lên tới hơn 1.300 người. Còn tại New Delhi (Ấn Độ), từ ngày 11 - 19/6 ghi nhận 192 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng, mức cao kỷ lục so với cùng kỳ trong vòng 5 năm. Hàn Quốc cũng trải qua tháng 6 với nhiều ngày nóng gay gắt, cao gấp 4 lần so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020. Tại Hy Lạp, 6 du khách đã tử vong khi tới quốc gia này du lịch đúng đợt nắng nóng bất thường với nhiệt độ cao 40 độ C. Thành phố Baltimore và thành phố Philadelphia Bờ Đông nước Mỹ đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục gần 38 độ C trong ngày 23/6.

TS Carlo Buontempo - Giám đốc Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu châu Âu Copernicus nói: Chúng ta không biết khi nào chuỗi nắng nóng này sẽ kết thúc. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi mà trong tương lai, những kỷ lục nắng nóng sẽ lại xuất hiện.

Theo đài CBS news, mùa hè năm nay cần phải được mô tả bằng từ “tồi tệ” khi mà mặt trời luôn thiêu đốt. Tại thành phố Bhagdora (Ấn Độ), có ngày phải chịu cái nóng lên đến 46 độ C. Còn tại các bang miền đông lẫn miền nam là Andhra Pradesh, Bihar, Tây Bengal và Odisha, nhiệt độ luôn được coi là bất thường.

TS M.Herrera cho rằng hầu hết các kỷ lục nắng nóng đang bị “qua mặt” trên khắp châu Á, cho thấy đây là thời kỳ khắc nghiệt bậc nhất trong lịch sử các mùa hè đối với phạm vi toàn thế giới. Còn theo GS Raghu Murtugudde - Viện Công nghệ Mumbai, thì mùa hè năm nay diễn ra trên diện rất rộng tại châu Á, từ Ấn Độ đến Bangladesh, Myanmar, Philippines, Thái Lan...

Truyền thông Ấn Độ mô tả, tiếng còi xe cứu hỏa kêu vang khắp các đường phố ở New Delhi đã trở thành chuyện thường ngày trong mùa hè 2024. Số cuộc gọi báo cháy đã tăng gấp đôi tại thành phố 20 triệu dân này, đặc biệt là từ các khu phố cổ chật kín cửa hàng và nhà cửa, mạng lưới dây điện và các loại dây treo lủng lẳng trên cột điện thì dăng như mắc cửi.

Ông Atul Garg - Giám đốc Sở cứu hỏa New Delhi nói: Lính cứu hỏa gần như không thể ngủ hay nghỉ ngơi. Họ phải chạy liên tục vì việc này không thể dùng robot thay thế được. Họ phải vào trong hít khói và chịu hơi nóng. Họ thực sự căng thẳng và kiệt sức.

Vào ngày 1/7, nắng nóng đã dịu bớt ở Thái Lan. Tuy nhiên, điều đó cũng không giúp người ta quên đi những ngày nhiệt độ ở Thủ đô Bangkok lên đến gần 50 độ C. Sở Môi trường Bangkok liên tục phát đi cảnh báo nhiệt độ ở mức cực kỳ nguy hiểm. Còn TS Direk Khampaen - Phó Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan đã phải khuyến cáo người già và những người mắc bệnh nền, bao gồm béo phì, nên ở trong nhà và uống nước thường xuyên.

Tại châu Âu, những dự báo trước đó cho rằng mùa hè năm nay sẽ dịu mát hơn đã sai. Tháng 6, Serbia phải đối mặt đợt nắng nóng lên tới 40 độ C. Tại Romania, suốt từ ngày 19/6 kéo dài cho tới hết tháng, người dân Thủ đô Bucharest phải vật lộn với một đợt nắng nóng khác thường, nền nhiệt lên tới 41 độ C. Tại các đài phun nước, lúc nào cũng có người tìm cách giải nhiệt.

Theo Cơ quan Giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus, tháng 5 năm nay là tháng 5 nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục. Tuy nhiên, suốt cả tháng 6 và có thể vắt sang nửa đầu tháng 7, với một số quốc gia Nam và Trung Âu, nắng nóng vẫn tiếp tục thiêu đốt.

TS Ko Barrett - Phó Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng; ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người. Trong đó dân nghèo sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ các đợt nắng nóng.

Các chuyên gia đến từ WMO cho rằng, nếu như biến đổi khí hậu dẫn đến các đợt sóng nhiệt tăng lên 100 lần trong năm 2023, thì mùa hè 2024 rất có thể kỷ lục không mong đợi đó vẫn sẽ xảy ra. Châu Á có tốc độ nóng lên nhanh gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961 - 1990 và kéo theo là các thảm họa tự nhiên như bão, lũ, lốc xoáy xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn. Nắng nóng cùng với thời tiết cực đoan không chỉ tấn công trực diện vào các nền kinh tế, đặc biệt nghiêm trọng với các vùng sản xuất nông nghiệp, mà còn khiến nhiều người thiệt mạng.

Thế Tuấn