Lại thêm một việc... mất vui
Những ngày này, mạng xã hội ồn ào chuyện một người làm thơ nữ gây sốc khi chia sẻ trên Facebook cá nhân việc bà bị loại khỏi danh sách kết nạp hội viên Hội Nhà văn TPHCM là do người giới thiệu bà vào Hội liên tục “vòi” quà, nhưng bà không đáp ứng. Cho nên, người “vòi” quà đã viết đơn gửi Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM đề nghị xóa tên bà khỏi danh sách kết nạp hội viên Hội Nhà văn TPHCM đợt vừa rồi.
“Có phải vì tôi không chi tiền hay không?” - bà nêu vấn đề. Còn theo người bị tố “vòi” quà để giới thiệu vào Hội thì đó là tri ân những người đã giúp mình, là quà hay gì thì cũng chỉ nhỏ nhoi, không đáng kể. “Cô ấy bảo tôi “vòi” quà thì trong khi có đề cập gì tới tiền bạc đâu?”. Ông này còn cho biết thêm, nếu thấy vấn đề bất ổn nên báo công an để giải quyết thì tốt hơn, nhưng “dù sao sự việc này cũng mất vui”.
Nhân chuyện ồn ào lại nhớ, cũng vào thời điểm này 2 năm trước, tháng 7/2022, dư luận xôn xao vì vụ bảng vàng “Hội đồng Thơ Báo Facebook nhân loại”. Lúc bấy giờ, số đông cho rằng việc như thế là “tào lao, vớ vẩn” làm trò cười cho thiên hạ.
Chưa hết, cuối năm 2022, nhiều người lại choáng váng trước vụ vinh danh một “nhà thơ thế giới” mà không ai biết tên tuổi, tác phẩm ra sao. Sự kiện do một doanh nghiệp chủ trì tổ chức. Cũng chính vì quá ồn ào nên dân mạng mới vào cuộc truy xem “nàng thơ thế giới” nọ từ đâu mà ra, và cùng đó là ngơ ngác trước hàng loạt danh hiệu tự xưng của người này như: Đại sứ trọn đời - Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật cấp cao Liên minh các nhà thơ thế giới, Phó Chủ tịch Liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới, Chủ nhiệm nhiều câu lạc bộ thơ trên thế giới và Việt Nam...
Ở đời, thích “danh” cũng là chuyện thường, nhưng danh hiệu phải được cộng đồng tôn vinh chứ không phải tự xưng một cách “đao to búa lớn”. Háo danh và danh hão không làm nên giá trị một con người, ngược lại là rất lố bịch. Riêng với người làm thơ, vinh dự có được từ tác phẩm chứ không phải đến từ những ồn ào. Kể cả những thứ được tạo nên từ kỹ nghệ đánh bóng thì theo thời gian cũng sẽ bị loại bỏ. Thời gian rất công bằng, những gì không đóng góp vào tiến trình văn học nghệ thuật sớm muộn sẽ bị lãng quên, ngược lại, những viên ngọc sáng trong đời sống sáng tạo sớm muộn gì cũng sẽ phát lộ.
Người Việt Nam rất yêu thơ. Nền văn hóa thẳm sâu của dân tộc đã sản sinh ra nhiều nhà thơ chói sáng. Họ không chỉ để lại cho đời những tác phẩm hay mà còn cả đạo đức sống, cốt cách đáng trân trọng. Nhân dân biết ơn những con người như vậy và cũng chính vì thế mà bất bình trước những giá trị giả, những kẻ háo danh, hư danh. May mắn thay, những kẻ đó không đủ sức làm xấu đi một nền văn học, vì những sự màu mè, ồn ào rồi cũng sẽ biến mất không “kèn trống”.