“Việt hóa” nhạc kịch
Thay vì dàn dựng lại các tác phẩm kinh điển của nước ngoài, thời gian qua, nhiều vở nhạc kịch thuần Việt được công diễn đã có hiệu ứng tích cực từ khán giả. Mới đây, vở diễn từ tác phẩm văn học “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng đã có 2 đêm diễn “cháy vé” tại Nhà hát Lớn Hải Phòng.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, tổng đạo diễn, tác giả kịch bản của vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” cũng như nhiều tác phẩm mang thương hiệu “Made in Việt Nam” được trình diễn trước đó.
PV: Sau thành công của “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Kiều”… lý do gì bà lại chọn “Bỉ vỏ” để dàn dựng thành một vở nhạc kịch?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Việc dàn dựng vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” có thể nói là nhân duyên đã gieo từ chính quá trình hoạt động nghệ thuật gắn bó của tôi với Đoàn Ca Múa Hải Phòng. Đặc biệt với lời mời của NSND Khánh Hòa - Trưởng đoàn Ca Múa Hải Phòng, đây không chỉ là phối hợp giúp Đoàn sáng tác, dàn dựng vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” cho chuỗi dự án sân khấu truyền hình Hải Phòng mà còn là cơ hội cho mỗi nghệ sĩ của đoàn vượt qua giới hạn của bản thân.
Bởi loại hình nghệ thuật được xem là hàn lâm như nhạc kịch không chỉ giúp các nghệ sĩ nâng cao chuyên môn, mà còn bổ sung nhiều kỹ năng ca, múa, vũ đạo, diễn xuất, cảm nhận âm nhạc và đặc biệt là nâng cao khả năng tương tác với bạn diễn, tương tác với khán giả. Đây cũng là điều mà tôi luôn muốn dành cho anh, chị em nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.
Với một tác phẩm văn học kinh điển như “Bỉ vỏ”, việc chuyển thể sang ngôn ngữ nhạc kịch có những khó khăn và thuận lợi gì, thưa bà?
- Để viết kịch bản nhạc kịch “Bỉ vỏ”, tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu lại tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng, hình dung bối cảnh của đất cảng Hải Phòng những năm 1937 - 1938. Không những vậy, tôi cũng phải tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu, hình ảnh của Hải Phòng xưa để cảm nhận một thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Dương ngày ấy, nhìn sâu vào nguyên nhân, quá trình phân chia giai cấp để tìm ra mấu chốt vấn đề để xây dựng chủ đề tư tưởng chính và các thủ pháp nghệ thuật, rồi kết nối với bối cảnh xã hội đương thời.
Đó là những cuộc rượt đuổi lần lượt lao nhanh qua tôi, xuyên qua giấc mơ hiện tại, nỗi niềm của những thân phận nổi trôi trong lòng bức tranh xã hội ngày đó. Hay đó là hình ảnh một đoàn tàu cứ xình xịch chạy trên một đường ray trong sự vận hành của lịch sử, mỗi ga đỗ là một câu chuyện, trong mỗi toa tàu là những thân phận với hoàn cảnh và không gian đặc biệt.
Mỗi ngày đi qua phố Hạ Lý, qua cầu Hạ Lý, tôi lại đầy ắp những viễn cảnh nghệ thuật hiển hiện trong tư duy. Tôi không muốn nhạc kịch “Bỉ vỏ” chỉ là minh họa lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng mà muốn kết nối với tư tưởng và cái thấy của tác giả về một Hạ Lý rất khác với bối cảnh của những văn bản nhưng lại gần với ký ức.
Cuối cùng, công việc còn lại là gắn kết những hình dung đó với cả ekip sáng tạo nghệ thuật, những người nghệ sĩ thể hiện tác phẩm về vùng đất này, những người sinh ra lớn lên ở đây, mang giọng nói Hải Phòng, mạnh mẽ, hào sảng để chúng tôi cùng nhau bước lên chuyến tàu của nhạc kịch “Bỉ vỏ” sống động.
Bà đánh giá như thế nào về dàn diễn viên của Đoàn Ca Múa Hải Phòng sau khi tham gia nhạc kịch “Bỉ vỏ”?
- Tôi đã từng hợp tác với rất nhiều đoàn ca múa nhạc trong nước và thấy rõ những người nghệ sĩ luôn muốn cống hiến những gì tốt nhất, nhưng do điều kiện ít được làm việc trong môi trường chủ động sáng tạo cao nên họ thường thiếu nhiều kỹ năng trong nghệ thuật biểu diễn. Làm nhạc kịch ở thời điểm này vẫn đang là chọn việc khó về mọi mặt, nên ai cũng phải cố gắng.
Tôi trân quý và nỗ lực làm việc với Đoàn trong những điều kiện khá vất vả về địa điểm tập, áp lực thời gian, kinh phí… Hải Phòng có nhiều nghệ sĩ tài năng, họ rất yêu nghề, luôn động viên nhau cùng cố gắng để có được một tác phẩm của tập thể, dành cho tập thể.
Sau 2 đêm diễn “cháy vé” tại Nhà hát Lớn Hải Phòng, cá nhân bà kỳ vọng gì cho sân khấu nhạc kịch thuần Việt trong thời gian tới?
- Với tôi, khi sáng tác hay dàn dựng tác phẩm nào tôi cũng rất kỹ lưỡng và làm khó chính mình. Chính vì vậy tôi luôn yêu cầu nghệ sĩ phải dành nhiều công sức, tâm huyết khi tập luyện cũng như làm việc nhóm để thực hiện tác phẩm hoàn hảo nhất trong khả năng. Nhạc kịch “Bỉ vỏ” không chỉ phải đạt được chất lượng nghệ thuật mà điều quan trọng ở thời điểm này là được sự yêu thích của công chúng, mở ra một thị trường thực sự cho các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Trân trọng cảm ơn bà!
“Bỉ vỏ” là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng, tái hiện hình ảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, được biên đạo múa Tuyết Minh chuyển thể thành nhạc kịch, do Đoàn Ca Múa Hải Phòng biểu diễn. Không chỉ phản ánh một xã hội bất công, đen tối, đầy khổ cực của người nghèo, tác phẩm đã bày tỏ sự tự tôn và khát khao cuộc sống lương thiện của con người trước những thử thách và cám dỗ, đồng thời gửi gắm thông điệp về tình yêu thương và trách nhiệm gia đình, về sự hy sinh và chung thủy của người phụ nữ.