Kinh tế

Hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon

NAM ANH 02/07/2024 08:51

Mục tiêu Net Zero và áp lực ngày càng tăng từ những quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đã và đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng, hướng tới xanh hóa nền kinh tế.

anhtren.jpg
Phát triển điện gió - nguồn năng lượng tái tạo hướng tới nền kinh tế xanh. Ảnh: Nam Anh.

Theo tính toán, Việt Nam cần khoảng 134 tỷ USD để đầu tư vào phát triển mạng lưới truyền tải và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội cả trong và ngoài nước.

Cơ hội và thách thức đan xen

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây cho thấy, xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội.

Nội dung báo cáo chỉ rõ, việc thực hiện những mục tiêu về môi trường khiến các nước phát triển phải tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái kinh tế - xã hội. Điều này tạo cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển. Đồng thời, việc thực hiện những mục tiêu toàn cầu về môi trường buộc các nước phải xích lại gần nhau và hỗ trợ nhau. Từ đó mở ra cơ hội cho Việt Nam nhận được các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức quốc tế, cũng như những quốc gia phát triển.

Việt Nam cũng có thể khai thác những nguồn năng lượng tái tạo sẵn có như điện gió và điện măt trời, do lợi thế về vị trí địa lý để tăng cường sản xuất, xuất khẩu năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các cam kết giảm phát thải khí CO2 sẽ thúc đẩy tốc độ chuyển dịch năng lượng tái tạo, nâng cao trình độ công nghệ và tạo ra hàng triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đi kèm đó là những thách thức chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Đại diện VEPR cho biết, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Quá trình này đòi hỏi đầu tư lớn, có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn cũng như trung hạn. Việt Nam cần khoảng 134 tỷ USD để đầu tư vào phát triển mạng lưới truyền tải, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Điều này đòi hỏi phải tăng cường thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư xã hội cả trong và ngoài nước. Tiếp theo, hạn chế về công nghệ khiến Việt Nam phải hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất năng lượng tái tạo, tạo ra nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng và rào cản gia nhập công nghệ cũng là những trở ngại đáng kể cho việc áp dụng công nghệ nhanh hơn.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh hơn vào chuyển dịch năng lượng, hướng tới xanh hóa nền kinh tế.

Điều này vừa là thách thức vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Tăng cường các gói tín dụng hỗ trợ

Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng), một khó khăn trong chuyển đổi xanh là chính sách pháp luật chưa đồng bộ. Theo ông Điệp, các luật không tích hợp được với nhau, khi triển khai rất khó cho các cơ quan công quyền trong giải quyết thủ tục hành chính. Đó là khó khăn lớn nhất. “Vấn đề vốn không quan trọng bằng chính sách. Nguồn vốn sẽ có khi chúng ta có chính sách tốt” - ông Điệp nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng, báo cáo của VEPR cho rằng, việc cần có những chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… là rất quan trọng. Trong đó, đẩy mạnh cả về chính sách và thị trường sẽ hỗ trợ cho phát triển các nguồn năng lượng mới, bù đắp nhu cầu thiếu hụt năng lượng trong tương lai của Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh, Chính phủ cũng cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn.

Bên cạnh đó, cần sửa Luật Điện lực, xây dựng luật về năng lượng tái tạo; giải quyết việc giải phóng năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư; cho phép cơ chế mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là dự án điện mặt trời; Xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả nhằm giúp cho các hộ nông thôn và miền núi, các hợp tác xã, chính quyền địa phương có thể nhận được những khoản đầu tư ban đầu cho năng lượng tái tạo dưới hình thức tín dụng trợ cấp hoặc các khoản vay ưu đãi thích đáng. Điều này nhằm giúp họ vượt qua những chi phí ban đầu thường là lớn để phát triển ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo và đối phó với những rủi ro trong quá trình ứng dụng này.

“Cần có thêm các gói tín dụng cho DN để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa carbon. Tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các DN vừa và nhỏ. Thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với DN vừa và nhỏ để làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp” - PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội gợi ý.

NAM ANH