Quảng Nam: Lễ hội cúng lúa trăm của đồng bào miền núi
Lễ hội cúng lúa trăm là lễ hội truyền thống của đồng bào Bh’noong ở huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Theo đó, trước khi thực hiện nghi lễ cúng lúa trăm, già làng xem mặt trăng để chọn ngày tốt. Đàn ông vào rừng săn bắt, lưới cá, sửa sang nhà kho; phụ nữ giã lúa, tìm lá gói bánh, hoa quả… để dâng lên thần linh. Nghi thức cúng lúa trăm truyền thống được xem là lễ hội tín ngưỡng về văn hóa nông nghiệp của đồng bào Bh'noong (một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng) huyện Phước Sơn, được lưu truyền từ lâu đời.
Khi đến mùa thu hoạch lúa rẫy, chủ nhà cúng lúa trăm đi đến từng nhà gọi người làng tham gia tuốt lúa. Tại cánh rẫy, trước khi khấn thần linh, chủ nhà đến phần đuôi của rẫy, buộc một chùm gốc lúa lại với nhau, hàm ý cầu mong thần linh phù hộ gia đình sẽ thu hoạch được nhiều lúa. Lúa sau khi mang về, được đưa đến nhà kho. Chủ nhà phân chia lúa theo các phần lưu trữ, hỗ trợ nhà khó khăn và chuẩn bị cho lễ cúng lúa trăm, vui cùng dân làng.
Thông thường, chủ cúng sẽ chọn 12 phụ nữ trong làng, đều là chủ bếp để thực hiện nghi thức cúng lúa trăm. Sau đó, mọi người ngồi xung quanh mâm cúng và ché rượu cần để thực hiện lễ cúng, trên đầu các cô gái đều đã được cài hoa và 1 bó hoa khác thì cầm trên tay để làm lễ.
Chia sẻ về lễ hội này, ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, lễ hội cúng lúa trăm của người Bh'noong là nét đẹp đời sống thường ngày, kết nối văn hóa tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng người Bhnong. Lễ hội này, nhằm tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của người Bh'noong, góp phần phát triển du lịch và gắn kết cộng đồng địa phương.