Công khai danh tính, rồi sao nữa?
Thời gian qua, nhiều bộ ngành, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công; doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động; tổ chức/cá nhân chậm đóng là cần thiết, nhưng còn cần hơn là một chế tài đủ mạnh và nhất là công khai kết quả xử lý.
Ngày 1/7, tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn rất chậm, đến cuối tháng 6 giải ngân chỉ ước đạt 15,7%. Được biết, vốn đầu tư công năm 2024 của TPHCM gần 79.264 tỷ đồng. Lãnh đạo thành phố cũng đã phê bình 8 đơn vị chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công.
Trong phạm vi cả nước, Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm có tới có 32/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Trong đó có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Còn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, việc “chậm đóng” hay còn gọi là trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động, đối với nhà nước vẫn tiếp diễn. Mới đây, Hà Nội đã công bố danh sách 50 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội. Đơn vị chậm đóng nhiều nhất là 1,1 tỷ đồng.
Đối với thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã công khai thông tin người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (đến thời điểm khóa sổ 31/12/2023). Danh sách “dài dằng dặc” này lên tới 2.238 người nộp thuế với số tiền nợ hơn 993 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất là 75,8 tỷ đồng.
Tháng 4, TPHCM cũng đã công khai danh sách 267 doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn nợ thuế và các khoản thu khác trên 4.600 tỷ đồng. Trong danh sách sách nợ thuế được Cục Thuế TPHCM “bêu tên” có doanh nghiệp nợ tới 1.680 tỷ đồng. Đầu tháng 6, Cục Thuế TPHCM đã gửi báo cáo về Tổng cục Thuế danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp và cá nhân này vi phạm quy định Luật Quản lý thuế (năm 2019) và Nghị định số 126 ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Chậm trễ, lẩn tránh hay chây ỳ là những cách gọi khác nhau nhưng bản chất sự việc là một. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ đó, nhưng cũng đều khó chấp nhận. Việc công khai danh tính là cần thiết, nhưng thực tế cho thấy thiếu hiệu quả vì sự việc vẫn tiếp tục diễn ra. Đã có quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, nhiều đơn vị, địa phương đã được nêu tên nhưng tới nay cũng hiếm có trường hợp nào bị xử lý và xử lý ở mức độ nào. Còn trong lĩnh vực chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, dù rằng các quy định được cho là chặt chẽ, nhưng vẫn không xử lý nghiêm do đó vẫn tái diễn ở nơi này nơi khác. Thiệt hại lớn nhất thuộc về người lao động khi mà bản thân họ không có cách gì để tự bảo vệ. Với thuế cũng vậy, đã có quy định rõ đối với doanh nghiệp, cá nhân ngưỡng nộp thuế, vì thế hành vi trốn tránh nghĩa vụ cần phải có chế tài mạnh hơn chứ không thể dừng lại ở việc nêu tên, tất nhiên điều đó là cần thiết.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 18/6, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết quy định cấm xuất cảnh khi nợ thuế là biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ thực hiện theo Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020. Quy định này chủ yếu nhắm vào người đại diện doanh nghiệp có khoản nợ ngân sách quá hạn, chây ỳ, được coi là “nhóm có nguy cơ” sẽ bị gửi yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh sang cơ quan chức năng.
Ông Minh cũng cho biết, điều đó được đưa ra dựa trên cân nhắc hồ sơ cụ thể, quy trình chặt chẽ. Trong đó, với pháp nhân, cơ quan thuế sẽ gửi quyết định về doanh nghiệp. Còn với cá nhân, gửi tin nhắn nhắc khoản nợ quá hạn (quá 30 ngày). "Ngành thuế tốn nhiều chi phí để thực hiện việc này" - ông Minh cho biết.
Để tiện tra cứu, tại Công văn ngày 18/6, Tổng cục Thuế đề nghị các địa phương rà soát thông báo liên quan tới tạm hoãn xuất cảnh, đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế.
Trở lại việc công khai danh tính, câu hỏi đặt ra là vậy thì sau đó là gì? Cũng như hoạt động chất vấn, thì “hậu” chất vấn là rất quan trọng, đó chính là “giám sát của giám sát”. Vì thế, với việc công khai danh tính, thì cũng rất cần công khai rằng sau đó đã xử lý ra sao, hiệu quả thế nào. Nếu không, sẽ thiếu tác dụng răn đe.