Kinh tế

Linh hoạt mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu

T.Xuân 03/07/2024 10:55

Nhiều yếu tố đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đáp ứng các yêu cầu bổ sung của thị trường nhập khẩu.

anhtren.jpg
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng rõ nét. Ảnh: Quang Vinh.

Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 do Bộ Công thương tổ chức diễn ra ngày 2/7.

Xuất nhập khẩu hàng hóa hồi phục

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước tính của liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Ông Hải nhấn mạnh, một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: Kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Cùng với đó, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế.

Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.

Liên quan tới hoạt động xuất khẩu thời gian tới, ông Hải cho biết, Bộ Công thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp (DN) cùng sản phẩm của DN (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công thương rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.

Ngoài ra, cần phải phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các chiến lược, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống và hiện đại

Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đưa ra đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, công tác xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho cộng đồng DN cả nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của DN với các thị trường trong và ngoài nước, để hỗ trợ có hiệu quả cho DN trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phú cho hay, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số; tăng cường truyền thông, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng DN về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững.

Theo chia sẻ của bà Đặng Thị Thanh Phương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức, về hoạt động xuất nhập khẩu, tính đến hết tháng 5 năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 0,7%, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,16 tỷ USD tăng 1,9% và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt khoảng 1,43 tỷ USD, giảm 1,8%.

Nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, hướng đến bền vững, bà Phương cho rằng, các DN cần đáp ứng các yêu cầu bổ sung của thị trường nhập khẩu. Ngoài những yêu cầu tối thiểu bắt buộc của thị trường, người mua cũng sẽ có những yêu cầu riêng cho từng loại sản phẩm. “Các DN cũng cần tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA, tiếp cận các kênh phân phối tại Đức, đặc biệt kênh phân phối hàng châu Á” – bà Phương khuyến nghị.

Còn theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong thời gian qua, lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam đã dần mất đi, do Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…). Xu hướng này đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: Trái cây, thuỷ sản, dệt may. Ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao, khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ.

Do vậy, thời gian tới, ngoài việc triển khai nhiều sự kiện quảng bá tiềm năng công nghiệp và đầu tư ở khắp các tỉnh bang Canada để giới thiệu năng lực sản xuất và trình độ công nghiệp hoá cao của Việt Nam, Thương vụ cũng dành chuyên mục để giới thiệu quảng bá cơ sở dữ liệu các DN công nghiệp của Việt Nam, cũng như để giới thiệu từng DN cụ thể trên trang web tiếng Anh, nhằm truyền thông cho các DN nước ta.

T.Xuân