Giám sát - Phản biện

Có nên bỏ đếm giây trên tín hiệu đèn giao thông?

ĐOÀN XÁ 03/07/2024 11:35

Mấy ngày gần đây, người dân và tài xế ở TPHCM tranh luận sôi nổi về thí điểm bỏ đếm giây trên tín hiệu đèn giao thông.

Mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông vận tải TPHCM) đã thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở 4 giao lộ lớn để theo dõi hành vi, hình thành thói quen cho người đi đường nhằm đưa ra phương án tổ chức giao thông phù hợp. Đó là giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (TP Thủ Đức) cùng 3 nút giao khác tại khu vực trung tâm thành phố là Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám.

Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị cho biết, việc thí điểm chỉ áp dụng ở các nút giao lớn, đã lắp đặt camera giám sát và hệ thống tín hiệu được kết nối về trung tâm, có thể điều khiển từ xa. Một số nơi khác vẫn có đèn không đếm số, nhưng thuộc dạng được thiết lập sẵn, mỗi lần thay đổi phải cài đặt trực tiếp tại các chốt.

Theo ông Tấn, sau thời gian thí điểm, mô hình đèn tín hiệu không đếm thời gian giúp giao thông ở các khu vực này ổn định hơn. Người đi đường cũng nâng cao nhận thức, thói quen chấp hành đèn tín hiệu, thay vì một số trường hợp thường cố vượt khi đèn còn 2-3 giây.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Phước - một tài xế xe tải ở huyện Hóc Môn cho biết, bộ đếm giây ở đèn giao thông rất quan trọng, nhất là với xe tải lớn, xe đầu kéo container. “Với hệ thống camera giám sát như hiện nay, hầu như không xe tải nào dám vượt đèn đỏ cả. Bộ đếm giây giúp tài xế chủ động đưa ra các phương án điều chỉnh tốc độ cần thiết ứng với quãng đường còn lại của phương tiện tới đèn giao thông. Giả sử không có bộ đếm giây, thấy đèn tín hiệu màu đỏ tài xế dừng phương tiện lại nhưng ngay sau đó đèn tín hiệu lại chuyển sang màu xanh thì những xe trọng tải lớn phải mất hàng chục giây, để di chuyển tiếp. Ở những đường quốc lộ, giao lộ lớn mà mất hàng chục giây chỉ để 1 phương tiện di chuyển được thì tình trạng ùn tắc sẽ xảy ra với các xe phía sau” - anh Phước nói, và cho rằng việc đèn giao thông có đếm giây hay không cần thống nhất nhiều tỉnh, thành phố chứ không thể tỉnh này thì đèn có đếm giây, sang thành phố khác thì lại không sẽ lộn xộn, không đồng bộ.

Có quan điểm khác là anh Hữu Phong - một người giao hàng ở khu vực quận Tân Phú, Tân Bình cho biết, việc bỏ hay giữ bộ đếm giây ở các đèn giao thông là tuỳ vào từng giao lộ cụ thể, không cứng nhắc áp dụng cho tất cả mọi nút giao. Có những giao lộ nhỏ, ít phương tiện thì bỏ bộ đếm giây cũng được nhưng tại giao lộ lớn, bộ đếm giây khá quan trọng. Trong đó tại những giao lộ có thời gian chờ đèn lâu thì cần phải có bộ đếm để người tham gia giao thông không bị động. “Như ở nút giao An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn) có lúc đèn đỏ lên tới hơn 80 giây nên nếu không có bộ đếm thời gian thì gây khó cho người đi đường. Bởi người dân lúc đó sẽ không biết đèn đang ở giây thứ 1 hay giây thứ 80. Việc này kéo theo việc cho phương tiện tiếp tục nổ máy chờ hay tắt máy chờ nữa” - anh Phong nói.

Hiện nay ở TPHCM hầu hết là các đèn giao thông có bộ đếm giây nhưng vẫn còn nhiều đèn không đếm giây (cả ngày hoặc thời gian nhất định). Trong đó giao lộ Phan Văn Hớn - quốc lộ 1A (huyện Hóc Môn, quận 12) không có bộ đếm giây nhưng việc chấp hành giao thông ở đây tương đối tốt. Các phương tiện di chuyển đúng theo quy định nhưng do đặc thù khu vực này có nhiều nhu cầu. Ví dụ khi đèn xanh đường Phan Văn Hớn, ngoài các phương tiện đi thẳng thì còn có nhiều phương tiện rẽ phải, rẽ trái vào quốc lộ 1A từ quận 12. Ở phía đối diện bên huyện Hóc Môn, nhu cầu cũng chia làm 3 loại khiến áp lực giao thông khá phức tạp. Nhiều ý kiến cho biết thực tế đèn đếm giây hay không cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Vì vậy, nếu chi phí thay đổi không quá lớn thì có thể thay đổi.

Có thể nói, việc thay đổi các tín hiệu đèn nhằm mục đích nâng cao ý thức người dân, kiềm chế tai nạn là điều cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu chi tiết để đưa ra những phương án phù hợp, nhất là khu vực mà nhiều phương tiện ( xe máy, xe đạp, xe hơi, ô tô tải, con tainer…) cùng di chuyển trên một tuyến đường để có tiết chế phù hợp nhất.

ĐOÀN XÁ