Bệ phóng cho tài năng nghệ thuật
Nhằm tháo gỡ những bất cập trong công tác đào tạo cũng như tạo “bệ phóng” cho các tài năng nghệ thuật có cơ hội tỏa sáng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tháo gỡ những nút thắt
Dự thảo tập trung vào các nội dung gồm: Quy định về hoạt động đào tạo nhà giáo, người học ngành nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; về việc thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; về thời gian đào tạo trình độ trung cấp tại các cơ sở đào tạo giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được phép đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), thành viên Ban soạn thảo Nghị định cho biết, công tác đào tạo học sinh theo học các ngành nghệ thuật đều phải có năng khiếu được tuyển chọn từ khi còn nhỏ, đào tạo liên tục trong nhiều năm và quá trình học tập có sự sàng lọc khắt khe. Vì vậy, thời gian đào tạo trung cấp thường từ 3 - 9 năm, tùy vào tính đặc thù của ngành/nghề đào tạo. Đào tạo nghệ thuật là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành mang tính truyền nghề, cho các em phát huy khả năng sáng tạo cao. Do đó, dự thảo sẽ vẫn giữ nguyên mô hình đào tạo hệ trung cấp trong trường đại học chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ông Tuấn lý giải, đào tạo trung cấp trong trường đại học chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật ngoài cung cấp nhân lực hoạt động cho xã hội thì còn đào tạo nguồn tuyển có chất lượng cho đào tạo đại học. Theo đó, các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động nguồn tuyển. Những người đã được rèn giũa chuyên môn từ 4 - 9 năm sẽ là nguồn để đào tạo nghệ sĩ có tài năng trong tương lai. Bên cạnh đó, các em được tạo điều kiện để tham gia các hội thi, hội diễn nhằm cọ xát, phát huy tài năng. Vì thế cần tiếp tục mô hình này trong thời gian tới.
Cũng theo ông Tuấn, nhằm khuyến khích đội ngũ giảng viên, nhà giáo cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng tài năng thì chính sách đối với nhà giáo sẽ có sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định này. Đối với người học cũng có những chính sách phù hợp, cụ thể hơn nhằm thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu đặc thù. Thực tế hiện nay các chính sách ưu đãi đối với người học ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường nghệ thuật thể hiện ở nhiều văn bản pháp luật dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau nên cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời và được tích hợp đưa vào Nghị định.
Quy định chồng chéo cản bước tài năng
Những năm qua, việc đào tạo nghệ thuật, đặc biệt là các ngành nghề chuyên sâu đã ươm mầm cho nhiều tài năng tỏa sáng, công hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên vẫn còn những quy định chồng chéo, cản bước nhiều tài năng lựa chọn theo con đường nghệ thuật.
Đơn cử, hiện nay các trường trung cấp nghệ thuật đang giảng dạy văn hóa theo mô hình giáo dục thường xuyên. Nếu việc học văn hóa không đảm bảo sẽ gây khó khăn cho việc tuyển sinh cũng như đảm bảo quyền cho người học. Minh chứng rõ nhất là thời gian qua một số cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL như Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam... liên tục gặp trở ngại bởi vấn đề đào tạo kiến thức văn hóa và cấp bằng THPT.
Bên cạnh đó, các mô hình đào tạo nghệ thuật hiện nay cũng đang tạo ra viễn cảnh không mấy sáng sủa, đặc biệt là các ngành nghệ thuật truyền thống, có tuổi nghề ngắn như múa, xiếc...
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đối với các ngành mang tính đặc thù cao như ngành nghệ thuật truyền thống, trong quá trình theo học được hưởng một số chế độ đặc thù, nhưng thực tế học viên khi tốt nghiệp về các nhà hát lại rơi vào cảnh “vạ vật”, không có biên chế. Trường xuống tận địa phương tuyển trung cấp chèo, tuồng, dù có nhiều thí sinh có năng khiếu nhưng gia đình không cho theo học.
Đồng quan điểm, TS.NSƯT Trần Văn Hải - nguyên quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, múa là lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, phải đào tạo từ nhỏ, lúc 6 - 10 tuổi, đi từ sơ cấp đến trung cấp, trung cấp chuyên nghiệp rồi lên cao đẳng, đại học, nhưng luật không cho phép các học viện làm điều này. Nếu 18 tuổi mới tuyển sinh và đào tạo diễn viên múa trình độ đại học thì không thể bởi cơ thể đã cứng. Diễn viên múa phải học 3 - 7 năm nhưng tuổi nghề khá ngắn, khoảng 35 tuổi là phải chuyển nghề. Do đó việc thay đổi diễn viên diễn ra thường xuyên.
“Để có nguồn, nhà trường phải đào tạo từ bậc sơ cấp, trung cấp. Nếu giờ chỉ đào tạo đại học, tức tập trung vào biên đạo múa, huấn luyện viên, các nhà hát mang tầm quốc gia, nơi thường tuyển diễn viên chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao từ trường múa, sẽ không thể tuyển được” - ông Hải cho biết.
Ươm mầm nghệ thuật đã khó, nhưng để “giữ chân”, tiếp lửa cho những tài năng đang cần có những điều chỉnh kịp thời, không thể chậm trễ. Đã tới lúc cần có những quy định cụ thể cho việc đào tạo nghệ thuật, trong đó có nội dung giảng dạy văn hóa phổ thông tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật. Những người làm nghệ thuật đều rất mong chờ Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật ra đời để thực sự có những quy định sát với thực tế, đảm bảo quyền lợi cho học sinh theo học nghệ thuật.
Đây sẽ là cú hích thúc đẩy tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nghệ thuật nước nhà phát triển.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, bản thân những người tham gia dự thảo cần đặt mình vào vị trí của học sinh, phụ huynh có con theo học ngành nghệ thuật, khi đó sẽ phần nào thấu hiểu hơn những khó khăn của ngành nghệ thuật nước nhà. Rào cản trước tiên vẫn là những quy định không phù hợp với đào tạo đặc thù đối với ngành nghệ thuật. Không thể nói việc đào tạo nghệ thuật là số ít nên khó quy định, hoặc không quy định, thậm chí áp các em học như những học sinh ở các lĩnh vực đào tạo khác.