Cây vông đồng nổi tiếng trong phim Mắt biếc ‘cô đơn’ trở lại
Sau một khoảng thời gian “hot trend”, hiện nay, nhiều ngày không có người ngoài địa phương đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm với “cây cô đơn”, từng xuất hiện trong phim Mắt biếc.
Sau khi xuất hiện trong phim Mắt biếc, cây vông đồng tại thôn Hà Cảng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trở nên nổi tiếng và được nhiều người gọi đây là “cây cô đơn”.
Theo ông Trần Quang Nguyên (67 tuổi, trú tại thôn Hà Cảng), xưa kia, người dân trong thôn thường trồng những loại cây có tán lá rộng như “cây cô đơn” ở các ngã ba trên cánh đồng. Việc trồng cây các loại cây này nhằm tạo bóng mát để ngồi nghỉ ngơi trong lúc đi làm đồng.
Ông Nguyên kể tiếp, sau này, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhiều người đã chặt hạ các cây xanh đã trồng bên cạnh thửa ruộng của gia đình mình để tăng diện tích sản xuất và tránh việc cây làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của lúa. Đến nay, tại các cánh đồng của thôn Hà Cảng, số lượng cây cổ thụ còn khá ít và đang được người dân hết sức quan tâm, chăm sóc, bảo vệ.
Chị Phan Thị Huế (45 tuổi, cùng trú tại thôn Hà Cảng) làm việc ở một quán bán nước ngay bên cạnh đường vào “cây cô đơn” cho hay, trước khi xuất hiện trên phim Mắt biếc, cũng từng có người tìm đến đây chụp ảnh với “cây cô đơn” nhưng không nhiều và đa số còn trẻ tuổi.
“Từ sau khi xuất hiện trên phim Mắt biếc, cây trở nên nổi tiếng và số lượng người về đây chụp ảnh đông lắm. Nhìn biển số xe và nghe qua giọng nói thấy có cả người từ Hà Nội, Đà Nẵng… và nhiều tỉnh thành đến chụp ảnh. Nhưng đa phần họ đến chụp ảnh xong rồi đi nơi khác chứ không ở lại địa phương”, chị Huế kể lại.
Cũng theo chị Huế, kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 đến nay, số lượng người về tham quan, chụp ảnh với “cây cô đơn” giảm đi rất nhiều. Vào dịp Lễ 30/4, 1/5 vừa qua, lượng khách ngoài địa phương đến đây có tăng lên nhưng không đáng kể so với thời điểm cuối năm 2019 - lúc cây mới nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Thời gian qua, những ngày bình thường chỉ có lác đác vài ba nhóm nhỏ còn lui tới đây chụp ảnh. Có hôm, chị Huế chẳng thấy ai là người ngoài địa phương đến tham quan “cây cô đơn” nữa.
Ông Trần Quang Nguyên chia sẻ, thời điểm cây nổi tiếng, số lượng người tìm về tham quan đông, chính quyền địa phương đã thống nhất và tiến hành xây dựng một bãi giữ xe rộng khoảng 500 - 600m2 trên thửa đất của gia đình ông. Vậy nhưng, khi xây dựng và hoàn tất xong các thủ tục thì xảy ra dịch bệnh. Tính đến nay, do không có hoặc ít khách đến tham quan nên bãi giữ xe thành lập trên thửa đất gia đình ông Nguyên vẫn chưa thực sự hoạt động một ngày nào.
Sinh ra và lớn lên tại thôn Hà Cảng, ông Nguyên chưa bao giờ thấy du khách ở mọi nơi tìm về địa phương đông như hồi “cây cô đơn” nổi tiếng. Theo đó, người đàn ông tuổi lục tuần này mong muốn, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có phương án để “cây cô đơn” nói riêng và vùng đất này nói chung trở nên hấp dẫn, thu hút du khách tới tham quan, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thôn Hà Cảng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho hay, “cây cô đơn” từng bị hư hại sau một cơn bão diễn ra vào năm 2020. Đến nay, cây đã hồi phục, lá mọc xanh tốt trở lại.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, địa phương dự kiến xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch và “cây cô đơn” là một trong những địa điểm thuộc mô hình này.