Trẻ cậy cha, già cậy ai?
Theo Tổng cục Thống kê, tới năm 2038, người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 21 triệu người, chiếm 20% dân số cả nước, cũng có nghĩa là tiến dần tới một xã hội “siêu già”. Trong khi xu hướng gia đình hạt nhân hai thế hệ đang ngày càng phổ biến thì cũng là lúc câu chuyện “trẻ cậy cha, già cậy ai?” được xã hội quan tâm nhiều hơn.
Quan niệm của người Việt Nam, con cái như của để dành, phòng khi mình về già yếu đuối có chỗ dựa dẫm, chăm nom. Vì thế hầu hết các bậc cha mẹ đều dành trọn cuộc đời cho con. Nhà càng nghèo càng yêu con hơn, chăm con hơn và cũng đặt kỳ vọng vào con cái nhiều hơn.
Trước, với người Việt, gia đình “tam, tứ đại đồng đường” không hiếm. Nhưng rồi theo thời gian cùng những biến động và thực tế xã hội, gia đình có 3 hoặc 4 thế hệ sống chung một nhà ít dần. Thay vào đó là gia đình 2 thế hệ, gồm cha mẹ và con cái. Nhất là ở thành phố, thì điều đó đã trở thành phổ biến.
Có nhiều góc khác nhau khi nhìn nhận vấn đề này, nhưng tích cực nhất khi coi đó là một thực tế để có cách chuẩn bị, ứng xử phù hợp. Cũng không nên đánh giá con cái thiếu trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già khi không ở chung dưới một mái nhà. Hãy thử hình dung một gia đình sống tại chung cư dưới 70m2, gồm 2 vợ chồng và 2 con; lại có thêm 2 bố mẹ già thì thật sự khó khăn.
Khi lập gia đình có con cái riêng, có thể không sống chung với cha mẹ nhưng trong góc sâu kín của trái tim thì cha mẹ vẫn vô cùng thiêng liêng không gì có thể thay thế. Nếu hiểu như vậy thì câu chuyện sẽ bớt nặng nề hơn và mỗi người cũng sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp hơn.
Còn nếu cha mẹ già sống chung với con cháu thì sao? Thực tế cho thấy cũng không nhiều hòa thuận. Lỗi không phải từ bên này hoặc bên kia mà nhiều khi đến một cách rất vu vơ theo kiểu “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Chính vì thế, nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng lúc về già nếu ở chung với các con, đặc biệt là con trai, các bậc cha mẹ cần phải nắm rõ bí quyết "3 không".
Thứ nhất, không can thiệp vào quan hệ vợ chồng của con trai, tránh để con dâu nghĩ ngợi từ đó dẫn đến việc bằng mặt nhưng không bằng lòng, rồi “đá thúng đụng nia” chia tay nhau trong uất ức. Thứ hai, không can thiệp vào việc dạy dỗ cháu. Sự nuông chiều của ông bà có thể khiến trẻ em trở nên bướng bỉnh, không vâng lời cha mẹ vì cho rằng dù mình có làm gì sai cũng sẽ được ông bà che chở. Từ đó cũng dẫn đến xích mích. Thứ ba, không can thiệp vào thói quen hàng ngày để tránh gây ra mâu thuẫn. Một lời khuyên là người già nên học cách “đứng ngoài”, không nên can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của các con.
Luôn nhớ rằng khi không tìm được tiếng nói chung thì lời nói và hành động có thể làm tổn thương cho cả hai bên.
Tới đây, cũng cần nói đến việc nhà dưỡng lão cho người già. Ở nhiều quốc gia Âu - Mỹ, đó là chuyện bình thường. Với nước ta, việc người già vào viện dưỡng lão cũng đang nhiều lên, nhất là người già ở thành phố không có nhà cửa ruộng vườn ở quê.
Tuy nhiên, điều đáng nói là số tiền để vào được nhà dưỡng lão hiện nay không hề ít. Hiện tại, các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đang tồn tại dưới 3 hình thức: Trung tâm dưỡng lão thuộc bộ, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội do nhà nước hỗ trợ cả về kinh phí và chính sách; Trung tâm dưỡng lão tư nhân do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, và Trung tâm bảo trợ từ thiện tự tổ chức và điều hành.
Ở đây, chỉ nói đến trung tâm dưỡng lão tư nhân do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tại Hà Nội, ở thời điểm này, muốn vào được thì số tiền một người phải nộp ít nhất 7 triệu đồng/tháng; cao nhất 15 triệu đồng/tháng. Trường hợp muốn được chăm sóc đặc biệt thì giá còn cao hơn. Với số tiền như vậy, rất ít người già có được nên sẽ phải dựa vào con cái. Trường hợp con cái ăn nên làm ra không nói, nhưng nếu thu nhập thấp thì lại là vấn đề rất lớn.
Cũng chính vì thế mà việc phát triển hệ thống nhà dưỡng lão theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” với sự đóng góp từ 1/3 đến 1/2 kinh phí của cá nhân là rất cần thiết. Điều đó chắc chắn sẽ làm giảm áp lực đến từ xu hướng già hóa dân số và có lẽ nhiều người cao tuổi sẽ nhẹ nhàng hơn khi chọn cách sống vui với các bạn già mà không phải cô đơn trong “nhà mình” khi con cái còn bận rộn với cuộc mưu sinh để lo cho thế hệ kế tiếp.