Kinh tế

Tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng

THÁI NHUNG 05/07/2024 10:29

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng, nhiều người dân chọn cách ưu tiên cho những chi tiêu thiết yếu và tìm cách cắt giảm những mặt hàng không thực sự cần thiết.

anhtren.jpg
Người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, chỉ lựa chọn những mặt hàng thực sự cần thiết, Ảnh: T. Nhung,

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Bỏ thói quen ăn sáng ở ngoài, gần đây chị Thanh Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chọn cách nấu ăn sáng tại nhà, đồng thời hạn chế mua sắm. “Để đảm bảo chi tiêu, thay vì ăn sáng ở ngoài, gia đình tôi đã tự nấu bữa sáng và bỏ thói quen ra ngoài ăn tối vào cuối tuần. Việc mua sắm quần áo, đồ dùng cũng được hạn chế. Bản thân tôi cũng cắt bỏ tối đa nhu cầu làm đẹp. Điều này giúp gia đình tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Còn nếu cần thiết phải mua món đồ nào đó, chúng tôi sẽ “săn” hàng giảm giá tại các kênh mua hàng online” - chị Mai chia sẻ.

Còn theo chị Hoài Ân, chủ một chuỗi 6 cửa hàng quần áo thời trang ở Hà Nội, từ đầu năm đến nay, doanh số bán hàng của chuỗi cửa hàng bị giảm sút nghiêm trọng. Loay hoay cầm cự, chị Ân đã phải thu hẹp quy mô cửa hàng, đồng thời đưa ra nhiều chương trình giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng. “Sau hơn một tháng thực hiện các chương trình khuyến mãi, sức mua của khách đã nhích lên dù chưa như kỳ vọng. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng giảm giá sâu tăng hơn 10% nhưng doanh số cũng chỉ tăng hơn 4%. Sản lượng cửa hàng tuy có tăng nhưng sẽ không bền” - chị Ân cho hay.

Theo kết quả khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2024, có 62% người tiêu dùng Việt Nam nấu ăn tại nhà; 43% người tiêu dùng có ý thức tiết kiệm gas, điện; 41% người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho quần áo, làm đẹp và 31% người tiêu dùng hoãn các chi phí lớn… Bên cạnh đó, có 69% số người mua qua mạng để tìm kiếm ưu đãi...

Tìm cách kích cầu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để kích cầu tiêu dùng, bên cạnh việc tăng lương, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giảm giá hàng tiêu dùng; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp (DN); tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí... Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn; đồng thời, đẩy mạnh sức mua trong nước bằng việc thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh việc cần phải có biện pháp kiểm soát giá, nhất là trong thời điểm tăng lương. Các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Về phía DN, theo bà Oanh, cần kêu gọi các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là DN quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng. “Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Cùng với đó, giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện sinh hoạt cần tránh điều chỉnh cùng thời điểm tăng lương, dễ gây lạm phát kỳ vọng, kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo” - bà Oanh nói đồng thời cho rằng, khi thị trường bình ổn, giá cả hợp lý, sức mua sẽ dần tăng trở lại.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh), trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng phải xoay sở với ngân sách hẹp nhưng vẫn phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu. Đặc biệt, để ứng phó với chi phí hàng hóa gia tăng, người tiêu dùng đang tập trung tìm kiếm các kênh mua sắm trực tuyến có nhiều khuyến mại và miễn phí giao hàng. Thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng khiến việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm, dự đoán và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng trở nên khó khăn hơn. Do đó, DN cần phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.

“Việc khách hàng chuyển qua mua sắm onlie cũng là một cơ hội để các DN mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn. DN cần xây dựng chiến lược đa kênh cho từng ngành hàng, nhãn hàng. Bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, phân tích cụ thể, sâu sát trong hành vi người tiêu dùng nhằm tiếp cận với người mua một cách nhanh chóng và thuyết phục họ mua sản phẩm, kích cầu tiêu dùng” - theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

THÁI NHUNG