Vượt qua nỗi buồn
Mỗi mùa tuyển sinh, lo lắng và hồi hộp, chờ đợi và hy vọng để rồi nước mắt xen lẫn nụ cười.
Điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập của nhiều địa phương đã công bố. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đang trong giai đoạn chấm điểm. Tuyển sinh lớp 1, lớp 6 các trường chất lượng cao, trường tư thục phải thi tuyển, xét tuyển đầu vào hầu hết cũng đã có kết quả. Chặng đường học tập phía trước của mỗi người đều còn rất dài bởi học tập là suốt đời. Nhưng ngay lúc này, khi nhận tin con không đỗ vào ngôi trường mơ ước, nỗi buồn vẫn cứ đong đầy, tâm trạng chạm đáy và không ngăn nổi những giọt nước mắt rơi.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người vui với niềm vui của con em mình đã vượt qua một cột mốc đáng nhớ, chinh phục được một mục tiêu khó khăn. Những lời chúc mừng, tung hoa, những hình ảnh “xõa tung trời” cho những thí sinh đã nỗ lực hết mình để đạt kết quả tốt. Các em xứng đáng được nhận niềm vui đó.
Ở một góc lặng lẽ khác, những học sinh thiếu một vài điểm số, thậm chí chỉ 0,25 điểm so với điểm chuẩn là đỗ vào ngôi trường mơ ước, nay chấp nhận học nguyện vọng 2 hoặc tìm đến những cánh cửa khác để bước tiếp. Niềm vui rất đa dạng còn nỗi buồn nào cũng giống nhau.
Một người bạn có con học lớp 9 gọi điện cho tôi với giọng nghẹn ngào hỏi, con trượt hết các nguyện vọng lớp 10 vào trường công lập, giờ phải làm sao? Sốc là vì điểm thi của con không thấp, 36,5 điểm nhưng không ngờ điểm chuẩn năm nay cả nguyện vọng 1 và 2 đều cao hơn hẳn so với những năm trước nên gia đình không kịp có sự chuẩn bị nào cả. Thậm chí khi biết điểm thi, cả nhà còn vui vì nghĩ là điểm số này sẽ đỗ nguyện vọng 1 luôn. Đến ngày công bố điểm chuẩn mới chết lặng, 36,75 điểm mới đỗ. Không dám trách mắng con nửa lời vì bố mẹ buồn 1, có lẽ con buồn 10, chỉ biết động viên con cứ buồn, cứ khóc nếu con muốn nhưng đừng gục ngã, nản lòng. Cánh cửa này đóng vào sẽ có cánh cửa khác mở ra. Bố mẹ đang hỏi thăm, tìm một trường tư thục tốt, phù hợp với con để tiếp tục chặng đường dài phía trước.
Một phụ huynh khác nhắn tin cho tôi, chia sẻ nỗi tiếc nuối vì đã không tự tin nộp hồ sơ cho con vào một trường chất lượng cao cấp 2 gần nhà mà chọn 1 trường chất lượng cao khác, danh tiếng, thành tích thậm chí còn vượt trội hơn trường kia nhưng xa nhà. Tôi thành thật nói với người mẹ này, chính con tôi đã không đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường nào trong số 2 trường đó, đừng nói đến việc xét tuyển. Bé đỗ được trường kia đã là rất giỏi rồi.
Một phụ huynh là giáo viên cấp 3 kể, chị không biết giấu mặt vào đâu vì con thi trượt vào ngôi trường mẹ đang dạy, lý do là vì điểm môn Ngữ văn - cũng là môn mẹ dạy, quá thấp nên dù Toán được 9,5 điểm cũng không gánh nổi môn Văn. Tự trách mình đã không sát sao con, thỏa hiệp với con để con học lệch. Buồn nhiều nhưng chị cùng con phân tích, để con thấy đây là một bài học sâu sắc, không thể chỉ học môn mình thích mà phải cố gắng ở cả những phần mình không thích, chưa giỏi. Phát triển mặt tốt và cố gắng hoàn thiện hơn ở những mặt chưa tốt, đó mới là mục tiêu lâu dài cần theo đuổi chứ không phải chỉ là điểm số một môn học nào đó được nâng lên vì học trúng tủ, đoán trúng đề.
Rất nhiều những tâm sự mùa tuyển sinh mà năm nào cũng được nghe, được biết. Không có chỗ cho từ “giá như” hay “nếu”, bởi mọi thứ đã được xác định bằng điểm số rõ nét, bằng tấm giấy chứng nhận trúng tuyển, trong khi những bạn khác không cần tờ giấy ghi “trượt rồi”, nhưng ai cũng hiểu.
Một kỳ thi không đủ để nói lên sự thắng bại của cả một đời người. Vấp ngã cũng là một bài học mà ít nhiều mỗi người đều phải trải qua trong hành trình trưởng thành. Quan trọng là người biết đứng lên sau thất bại hay trượt dài theo nỗi buồn. Đừng bao giờ để bất kỳ thất bại nào níu chân mình bởi dù đau khổ, tuyệt vọng đến đâu thì đó vẫn là chuyện của ngày hôm qua, ngày hôm nay, còn ngày mai sẽ là một ngày mới, rực rỡ ánh mặt trời. Hãy mở lòng nhìn về phía trước với tất cả sự tự tin, những cảm xúc tích cực để học hỏi, đổi mới và thích ứng với cuộc sống muôn màu.