Kinh tế

Lãi suất “xuống đáy”, người mua nhà vẫn ngại vay

T.Vinh 05/07/2024 10:30

Thời điểm này, lãi suất ngân hàng đã giảm sâu. Đây được coi là điều kiện để nhà đầu tư, đặc biệt những người có nhu cầu thực có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp để mua nhà. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, nhu cầu vốn mua nhà của khách hàng vẫn tăng chậm. Vậy đâu là nguyên nhân?

anh-cv.jpg
Lãi suất hiện nay được xem là thích hợp để vay mua nhà. Ảnh: Minh Phương.

Lãi suất “đã xuống đáy”

Mức lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi trong năm đầu tiên trên thị trường hiện dao động trong khoảng 5 - 6%/năm. Thậm chí, có ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ hơn 3 - 4%/năm trong vòng 3 - 6 tháng đầu tiên.

Chẳng hạn, tại Techcombank, khách hàng vay mua nhà được hưởng lãi suất 5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng. Các kỳ hạn dài hơn, lãi suất ưu đãi dao động từ 6,1 - 7,5%/năm. Đáng chú ý, mới đây, trên thị trường xuất hiện thông tin Techcombank cho vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 3%/năm và thời gian áp dụng mức lãi suất này là 3 tháng. Trường hợp khách hàng lựa chọn gói lãi suất cho vay cố định 1 năm, mức lãi suất là 4,7%/năm. Hết thời gian ưu đãi, mức lãi suất thả nổi với biên độ 3,5%/năm.

Khách hàng vay tối đa 80% giá trị bất động sản và thời hạn cho vay tới 35 năm. Gói lãi suất này được áp dụng cho khách hàng vay mua nhà do One Housing (một đơn vị môi giới bất động sản) phân phối.

Đối với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất là 5 - 6%/năm, được Vietcombank, Agribank áp dụng trong 6 tháng hoặc 1 năm đầu kể từ khi giải ngân, sau đó cộng biên độ 3 - 3,5%/năm.

Tại nhóm ngân hàng nước ngoài, UOB đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà là 5,89%/năm, cố định trong năm đầu, hoặc 5,99%/năm cố định trong 2 năm đầu. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất là 8%/năm.

Nhìn chung, mức lãi suất hiện nay được xem là thích hợp để vay mua nhà. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, đến hết ngày 17/6/2024, dư nợ tín dụng của ngân hàng mới tăng 2,1% so với đầu năm, do tín dụng cá nhân, chủ yếu là vay mua bất động sản (BĐS) tăng chậm. Điều này có nguyên nhân là vướng mắc pháp lý của nhiều dự án khiến nguồn cung BĐS hạn chế, thị trường địa ốc chưa hồi phục và thu nhập của người dân giảm.

Tại SHB, gần 6 tháng đầu năm, tín dụng doanh nghiệp tăng 3,26%, trong khi tín dụng cá nhân vẫn tăng trưởng âm. Tương tự, tại MB, lãnh đạo ngân hàng này cũng xác nhận, nhu cầu vay mua nhà của người dân vẫn ở mức thấp.

Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, báo cáo về thị trường BĐS của Bộ Xây dựng cũng cho hay, tính đến 28/2/2024, dư nợ tín dụng riêng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 1.113.673 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ BĐS đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh BĐS khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng (mua, xây sửa nhà) đạt 1,79 triệu tỷ đồng. So sánh hai dữ liệu trên, có thể thấy, trong 2 tháng đầu năm, riêng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS của hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng.

tren.jpg
Bất động sản kỳ vọng khởi sắc sẽ thúc đẩy tín dụng lĩnh vực này. Ảnh: Quang Vinh.

Kỳ vọng tín dụng bất động sản được kích cầu

Nhiều ý kiến nhận định, có một số khó khăn cản trở người dân vay vốn để mua nhà.

Lĩnh vực BĐS được các ngân hàng cổ phần xác định là trọng tâm cho vay. Giao dịch BĐS hiện khá ít, giá cũng ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm, do đó, nhu cầu mua nhà của người dân không cao.

Đáng chú ý, theo Thông tư 22/2023/TT-NHNN, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngân hàng thương mại chỉ được cho cá nhân vay để mua nhà ở đã được hoàn thành để bàn giao, tức là nhà ở có sẵn. Liên quan đến quy định này, một số ý kiến cho rằng, Thông tư 22 đang gây khó khăn cho thị trường BĐS, làm hạn chế quyền tiếp cận vốn của cá nhân tại ngân hàng.

Một chuyên gia trong ngành địa ốc nhận định, hiện lãi suất vay mua nhà tuy giảm nhưng ở bình diện chung thì các ngân hàng cố định 1-2 năm đầu ở mức dưới 10%, sau đó sẽ thả nổi với lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng tăng thêm 4-5%. Đây là nguyên nhân khiến người dân e ngại vay vốn để mua nhà.

Bên cạnh đó, không ít người lo ngại thời gian tới lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay bất động sản tăng mạnh dẫn tới rủi ro cao là người vay không trả được nợ gốc và lãi. Chính bởi vậy, vị chuyên gia cho rằng, ngân hàng nên mạnh dạn kéo dài thời gian cố định lãi suất từ 3-5 năm ở mức dưới 10% và miễn lãi phạt ở mọi thời điểm. Lãi suất thả nổi sau này cũng nên ở mức bằng lãi suất huy động 12 tháng và biên độ tối đa 4%, như vậy mới kích cầu được khách hàng mua nhà.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến người mua nhà không dám xuống tiền thời điểm này là do giá BĐS vẫn ở ngưỡng cao, sản phẩm có giá trị dao động từ 2,5 tỷ đồng trở lên. Bởi vậy phần lớn người dân rất khó xoay sở.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm, cả 4 lĩnh vực cho vay mua nhà để ở, cho vay dự án BĐS khu công nghiệp, cho vay các dự án nhà ở, cho vay BĐS nghỉ dưỡng đều gặp khó khăn. Đối với cho vay mua nhà để ở, do kinh tế khó khăn và tình hình thu nhập của người dân chậm nên nhu cầu mua nhà, chuyển đổi nhà trong 6 tháng đầu năm khá chậm. Do đó, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng đều bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, đại diện các ngân hàng kỳ vọng, thị trường BĐS đang có dấu hiệu ấm lên ở một số phân khúc sẽ là điều kiện để kích cầu tín dụng ở lĩnh vực này.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực đánh giá, tín dụng BĐS chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Các tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu sẽ góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi. Nhờ đó, tín dụng BĐS nói riêng và hoạt động của các ngân hàng nói chung cũng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm, nhất là khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.

Thị trường BĐS đang có xu hướng “đi ngang”, ít giao dịch thành công khi nguồn vốn “chôn” vào vàng. Đáng chú ý, nguyên tắc lãi suất thả nổi từ phía ngân hàng thương mại đã buộc khách hàng cân nhắc, trong khi lãi suất khoảng 8,5%/năm là không hề rẻ. Khảo sát tâm lý người mua nhà để ở cho thấy lãi suất ngân hàng dưới 7%/năm là hợp lý và thời gian ưu đãi đó cần kéo dài 3 năm thay vì 1 năm như hiện nay. Sau đó, cũng cần có trần đối với lãi suất thả nổi tối đa là 8,5%, thay vì 11,5-12,5% theo công thức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 - 13 tháng) cộng với biên độ từ 3 - 4%/năm. Điều đó cần được áp dụng với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại khác. Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết, tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở chiếm tỷ trọng cao nhất với 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng BĐS trên địa bàn. Chính vì thế, việc ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất vốn vay cần sớm được thực hiện, để thời điểm “dò đáy” của thị trường BĐS sớm đi qua.

T.Vinh