Cao Bằng: Bao giờ dẹp được 'loạn' trạm trộn xây dựng trái phép?
Trước việc xuất hiện trạm trộn bê tông xây dựng tràn lan, trái phép trên đất nông nghiệp tại nhiều huyện và thành phố, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đã có những chỉ đạo nhằm giải quyết triệt để vấn nạn này.
Trạm trộn trái phép tại 6/10 huyện, thành phố
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng, đến nay tỉnh mới chấp thuận đầu tư 6 trạm trộn bê tông tươi xi măng và bê tông nhựa asphal cho 4 doanh nghiệp. Cụ thể: Công ty TNHH đầu tư và xây dựng 19/8 (1 trạm); Công ty Đầu tư và xây dựng Trường An (1 trạm); Công ty CP giao thông TNT (2 trạm); Công ty TNHH An Minh Cao Bằng (2 trạm). Nhưng do Công ty TNHH đầu tư và xây dựng 19/8 đã bị thu hồi Chứng nhận đầu tư từ 17/10/2024, nên thực tế chỉ có 5 trạm bê tông được phép hoạt động.
Ông Vũ Trường Sơn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng thông tin: Sở chỉ có thẩm quyền kiểm tra các trạm được chấp thuận đầu tư, đã phát hiện tình trạng chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, môi trường. Tỉnh Cao Bằng cũng đã xử phạt và nhắc nhở các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định pháp luật. Còn với các trạm trái phép thuộc thẩm quyền của địa phương, cùng các ngành liên quan rà soát, xử lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng luôn tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư khi đến với tỉnh.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 16 trạm trộn bê tông tươi xi măng và bê tông nhựa Asphal.
Danh sách các địa phương có trạm trộn bê tông:
1. Thành phố Cao Bằng có 6 trạm (2 ở phường Sông Hiến; 2 ở xã Hưng Đạo; 1 ở phường Duyệt Trung; 1 ở phường Đề Thám).
2. Huyện Hòa An có 3 trạm (1 ở xã Ngũ Lão; 1 ở xã Dân Chủ; 1 xã Tiến Đạt).
3. Huyện Hạ Lang có 2 trạm (1 ở xã Đức Quang; 1 ở xã Quang Long).
4. Huyện Trùng Khánh có 2 trạm (1 ở xã Khâm Thành; 1 ở xã Lăng Hiếu).
5. Huyện Quảng Hòa có 1 trạm (ở xã Quốc Toản).
6. Huyện Thạch An có 1 trạm (ở xã Lai Cách).
7. Huyện Bảo Lâm có 1 trạm (ở xã Lý Bôn).
Trừ đi 5 trạm được tỉnh Cao Bằng cấp Chứng nhận đầu tư, thì có tới 11 trạm trộn được xây dựng tại 6/10 huyện, thành phố của tỉnh Cao Bằng hoạt động sai phép. Tuy nhiên ngay cả những trạm đã được tỉnh Cao Bằng chấp thuận đầu tư cũng không hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định.
Ví dụ như: Tháng 11/2023 Công ty TNHH An Minh Cao Bằng bị UBND thành phố Cao Bằng xử phạt 30 triệu đồng vì lỗi chưa hoàn thiện thủ tục đất đai dù đã hoạt động gần 10 năm nay; Đầu năm 2024, tỉnh Cao Bằng xử phạt Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Hải Phong 130 triệu đồng vì chưa hoàn thiện thủ tục môi trường dù đã đi vào hoạt động 3 năm…
Còn với 11 trạm trái phép, có một điểm chung là được xây dựng trên đất nông nghiệp (có trạm 1 phần, có trạm toàn bộ), thậm chí là xây dựng ngay trên đất trồng lúa. Điều đáng nói, một số đã nhiều lần bị xử phạt số tiền lên tới cả trăm triệu đồng, yêu cầu dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục pháp lý… nhưng doanh nghiệp phớt lờ chỉ đạo của tỉnh Cao Bằng và chính quyền địa phương.
Doanh nghiệp sai phạm nhưng không chịu khắc phục
Điển hình như Trạm bê tông thương phẩm của Công ty CP Tập đoàn xây dựng giao thông Miền Bắc (Công ty Miền Bắc) tại xóm Pác Vầu, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hoà. Trạm được xác định xây dựng trái phép từ năm 2021 trên diện tích hơn 1.220m2 (trong đó có 400m2 đất ở nông thôn, hơn 820m2 là đất trồng cây).
Theo ông Lục Văn Chức – Chủ tịch UBND xã Quốc Toản, Công ty Miền Bắc hoạt động nhiều năm nhưng không nộp cho xã các hồ sơ pháp lý. Cử tri nhiều lần phản ánh việc trạm bê tông để nước thải chảy xuống ruộng lúa, khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng tới đời sống người dân. Do vượt quá thẩm quyền xử lý, xã Quốc Toản đã báo cáo lên UBND huyện và phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quảng Hòa có biện pháp giải quyết.
Các cơ quan chức năng của huyện Quảng Hòa và tỉnh Cao Bằng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp chỉ được hoạt động trở lại khi đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định. Nhưng sau mỗi lần như vậy, Công ty Miền Bắc vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất trạm trộn như không có chuyện gì xảy ra.
Ông Phan Hà Minh – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Hòa cho rằng: Địa phương đã tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường theo đúng quy định nhưng doanh nghiệp không thực hiện. Vì vậy mà ngày 26/6/2023, Công ty Miền Bắc đã bị UBND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 780 xử phạt số tiền 320 triệu đồng.
Công ty Miền Bắc tiếp tục hoạt động sản xuất, không thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh Cao Bằng, cũng như những chỉ đạo của huyện Quảng Hòa. Vì lý do này, ngày 8/5/2024 doanh nghiệp bị Đoàn kiểm tra của huyện Quảng Hòa lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng hoàn toàn mọi hoạt động trạm trộn. Đồng thời huyện Quảng Hòa cũng báo cáo và đề xuất phương án xử phạt, xử lý lên UBND tỉnh.
Tỉnh Cao Bằng lên kế hoạch xử lý triệt để
Nhiều doanh nghiệp xây dựng trạm trộn trái phép, không hoàn thiện các thủ tục pháp lý, môi trường đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân; Doanh nghiệp cũng không đóng góp đầy đủ các loại thuế, phí, tiền thuê đất gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; Cạnh tranh không công bằng với những doanh nghiệp làm đúng quy định về đầu tư và đóng góp đầy đủ thuế, phí cho Nhà nước… Tỉnh Cao Bằng xác định phải chấm dứt tình trạng này, không để tái diễn trong tương lai.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, sau khi nắm được vấn đề hoạt động trạm trộn trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, từ đầu năm 2024 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành, huyện, thành phố trên toàn tỉnh báo cáo hoạt động trạm trộn bê tông. Sau khi rà soát, tất cả các trạm trái phép sẽ phải dừng hoạt động. Nhưng nếu đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, môi trường, vị trí… thì sẽ xem xét, căn cứ theo Luật tạo điều kiện cho hoàn thiện thủ tục đầu tư; những trạm khác sẽ phải xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, khắc phục trả lại mặt bằng.
Chủ tịch Hoàng Xuân Ánh cũng thông tin, việc một số đơn vị có văn bản tới UBND tỉnh xin được phép hoạt động cầm chừng, tạm thời có thời hạn trong thời gian hoàn thiện giấy tờ pháp lý. Trước những yêu cầu đó, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng kiên quyết không đồng ý cho bất cứ đơn vị nào có đặc quyền hoạt động trái Luật như vậy.