Hải Phòng: Điều chỉnh dự án tu bổ di tích quốc gia chùa Trà Phương
Sau khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch “tuýt còi” dự án tu bổ, tôn tạo chùa Trà Phương (xã Thuỵ Hương, huyện Kiến Thuỵ), TP Hải Phòng đã xin điều chỉnh dự án, đưa ra phương án tôn tạo di tích một cách phù hợp nhất.
Điều chỉnh dự án
Như Đại Đoàn Kết đã thông tin, trong quá trình tu bổ, tôn tạo chùa Trà Phương, nhà chùa và đơn vị thi công đã tự ý mở rộng quy mô, bỏ cấu kiện gốc, không đúng quyết định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hạng mục Tam bảo bị phá dỡ 1 phần để xây công trình nhà Tam bảo mới, vượt quy mô so với phê duyệt. Hạng mục nhà Tổ xây 13 gian, vượt 6 gian so với quy mô phê duyệt. Không chỉ vậy, quá trình tháo dỡ hạ giải cột kèo gỗ, nhận thấy cột kèo bị mối mọt, nhà chùa và đơn vị thi công làm mới, không tận dụng cấu kiện cũ. Việc tự ý mở rộng quy mô, bỏ cấu kiện gốc nói trên đã bị Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch “tuýt còi”.
Sau khi tiếp thu những ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch, UBND TP Hải Phòng đã ban hành tờ trình số 52/TTr-UBND gửi Bộ này về việc thẩm định điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia chùa Trà Phương.
Theo đó, UBND TP Hải Phòng vẫn giao UBND xã Thuỵ Hương (huyện Kiến Thuỵ) làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn là Công ty CP xây dựng công trình văn hoá Bảo Việt. Phạm vi khu vực Tam bảo cũ sẽ tháo dỡ 2 gian cơi nới và cung phụ của Bái đường và 3 gian chuôi vồ theo kiến trúc gốc để làm thành nhà thờ Mẫu. Dịch chuyển đường trục đạo của Nhà Tổ và Tam bảo về trung tâm khu đất phía Nam 5 mét.
Với hạng mục Tam bảo mới, Hải Phòng đề xuất tôn tạo bên cạnh Tam bảo cũ kiến kiểu chữ Đinh gồm 7 gian, 2 chái Tiền đường và 3 gian Hậu cung; mở rộng các gian. Trong đó, gian trung tâm rộng 3,75 mét, các gian còn lại và 2 chái Tiền đường rộng 3,6 mét. Kích thước Hậu cung giữ nguyên theo Tam bảo cũ.
Đối với hạng mục Nhà tổ, Hải Phòng đề xuất mở rộng 7 gian thành 13 gian, phục dựng lại bộ cột, vì theo kiến trúc cũ; giữ nguyên kiến trúc bộ vì lòng nhà, phần hiên đưa về đưa về kiến trúc chuẩn (không cơi nới như hiện tại); hoàn chỉnh kiến trúc nội ngoại thất. Các vị trí thờ tự phần Tiền đường cũng được sắp xếp lại.
Theo dự toán, chi phí để tiến hành dự án là trên 9,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách công trợ của TP Hải Phòng (theo Nghị quyết số 82/2022/NQHĐND ngày 09/12/2022 của HĐND TP Hải Phòng) là 2 tỷ đồng, UBND huyện Kiến Thuỵ và UBND xã Thuỵ Hương huy động xã hội hoá trên 7,9 tỷ đồng.
Nhân dân đồng thuận với phương án mới
Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hoá & Thể thao Hải Phòng cho biết: Chùa Trà Phương là di tích lịch sử quốc gia, có kiến trúc nghệ thuật giá trị độc đáo. Đây cũng là di tích duy nhất của Hải Phòng có 2 bảo vật quốc gia: Tượng thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Chia sẻ quan điểm về việc điều chỉnh dự án, ông Tú cho biết: Trên cơ sở có sự góp ý từ các chuyên gia, một số cấu kiện cũ của hạng mục Tam Bảo cũ đã bị dỡ sẽ được chuyển sang để làm nhà Mẫu. Cách khắc phục này rất hợp lý vì vừa giữ được cấu kiện các loại gỗ quý và giữ được thiết chế thờ Mẫu - thờ Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn – tại di tích.
Trong quá trình này, UBND xã Thuỵ Hương đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh thiết kế Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Kết quả, bà con, nhân dân đồng thuận, nhất trí cao với phương án mới.
Đánh giá việc tự ý mở rộng quy mô, bỏ cấu kiện gốc tại dự án tu bổ di tích chùa Trà Phương, ông Tú cho rằng nhà chùa và nhiều người dân đã không hiểu hết giá trị của di tích lịch sử nên thường bỏ qua thủ tục, quy định, ý thức bảo tồn. Xét về mục đích, việc nâng cấp di tích là để phục vụ cộng đồng. Trong quá trình này, lãnh đạo xã Thuỵ Hương cũng như Ban quản lý di tích không tư lợi cá nhân và đã nỗ lực thực hiện dự án bằng tất cả tâm huyết nên cũng khó cho cơ quan quản lý khi xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan.
Đồng quan điểm trên, Bí thư huyện uỷ Kiến Thuỵ Đỗ Đức Hoà cho biết: Việc kiểm điểm Trưởng thôn Trà Phương kiêm Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích cũng là một bài học để các địa phương, đơn vị khác rút kinh nghiệm trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích… Mặc dù là nhà chùa hay địa phương kêu gọi kinh phí xã hội hoá, tuy nhiên quá trình tu bổ, sửa chữa di tích quốc gia thì phải hết sức thận trọng.
Trước đó, vào năm 2020, nhận thấy di tích quốc gia chùa Trà Phương xuống cấp, UBND xã Thuỵ Hương đã lập hồ sơ khảo sát thiết kế, tu bổ di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hoá.