Giáo dục

Kỳ vọng đổi mới đề thi môn Ngữ văn

Thu Hương 06/07/2024 09:33

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tiến tới sử dụng kiến thức cả trong và ngoài SGK, vì mục tiêu là hình thành phẩm chất và năng lực, hạn chế học tủ, học theo mẫu.

anhbaitren.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Hạn chế về mặt ngữ liệu

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 được nhiều giáo viên (GV) và thí sinh đánh giá là dễ khi bám sát đề thi minh họa, cấu trúc quen thuộc và tác phẩm được lựa chọn trong bài nghị luận văn học cũng không gây bất ngờ, thậm chí được nhiều thí sinh dự đoán “trúng tủ”. TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên GV môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh (HS), đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này. Dẫu vậy, cô cũng mong mỏi những yếu tố mới mẻ, bất ngờ trong văn chương để tạo hứng thú cho HS, thêm phần đánh giá thực chất, không thể học tủ, học gạo.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt - Ngữ văn cũng chỉ ra nề nếp lâu nay đó là ngữ liệu sử dụng phải nằm trong khuôn khổ chương trình và SGK 2006, phải là những tác phẩm mà HS đã được học nên có phần hạn chế về mặt ngữ liệu. Trong bối cảnh đó, cảm giác cũ kỹ khi có mười mấy tác phẩm lặp đi lặp lại là điều dễ hiểu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa chỉ nên sử dụng những tác phẩm văn học mang hơi thở của đời sống đương đại mới là đổi mới mà là, học tác phẩm quen thuộc theo cách tiếp cận mới thì những truyện ngắn, bài thơ này không bao giờ cũ.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, đề thi năm nay sát thực tiễn hơn, đó là cách tiệm cận đến đề thi cho năm 2025, đánh giá năng lực HS. Bắt đầu từ năm 2025, giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của chương trình GDPT 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài SGK.

Thay đổi cách dạy và học

Trước kỳ vọng của xã hội đối với đề thi Ngữ văn từ năm 2025 trở đi, đại diện Bộ GDĐT thông tin, về ngữ liệu đề thi, Bộ đang tiến tới sử dụng kiến thức cả trong và ngoài SGK, vì mục tiêu là hình thành phẩm chất và năng lực, không phải theo SGK, nên sẽ hạn chế học tủ, học theo mẫu.

Để chuẩn bị cho việc thay đổi đề thi này, rõ ràng việc dạy học trong nhà trường cũng phải thay đổi và ngược lại, dạy học trong nhà trường sẽ mở đường cho việc đổi mới kỳ thi. PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng, SGK được biên soạn theo chương trình GDPT 2018 đã được triển khai cho đến lớp 12, đề thi theo hướng đổi mới HS vẫn sẽ thích ứng được nếu ngay từ trên lớp, khi dạy học, kiểm tra, GV đã định hướng học sinh học, thi theo hướng này. Trong đó, đặt biệt chú ý đến việc phải sử dụng ngữ liệu ngoài SGK, không được phép dùng lại những tác phẩm đã được đưa vào SGK để làm dữ liệu trong đề thi, đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên cũng như đánh giá định kỳ.

Với chương trình GDPT năm 2018, không có quy định nào bắt buộc sử dụng một tác phẩm cụ thể, Bộ GDĐT có thể xây dựng đề thi mang tính sáng tạo nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý GV cần đổi mới phương pháp dạy học thông qua một tác phẩm văn học cụ thể, giúp HS nắm được mã thể loại của tác phẩm đó, trên cơ sở đó các em có thể đọc được những văn bản cụ thể thuộc cùng một thể loại. HS phải được cung cấp cả kiến thức và kĩ năng, để khi thi sẽ dùng những kĩ năng đã được dạy, được luyện, tự mình khám phá giá trị của một tác phẩm ngoài chương trình SGK. Khi đã nắm được phương pháp, cách làm thì HS mới có thể thích ứng với đề thi mới.

Cô Lê Mai Phương - GV môn Ngữ văn, Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) cũng ủng hộ việc ra đề thi theo hướng mở, khơi gợi sự sáng tạo của HS. HS sẽ rất hào hứng để viết, để nói lên suy nghĩ, quan điểm riêng của mình trước những vấn đề trong cuộc sống thay vì phân tích những bài thơ, truyện ngắn đã được học thuộc làu trong chương trình.

Thực tế, nhiều đề thi vào lớp 10 của các địa phương đã làm được điều này, tạo sự hứng thú cho HS dù rằng bước đầu đổi mới vẫn còn những ý kiến khác nhau.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, toàn ngành giáo dục đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có đổi mới đánh giá và thi cử, đồng thời đạt mục tiêu giảm áp lực, giảm thời gian, tốn kém nhưng vẫn phải bảo đảm đủ độ tin cậy. Do đó, sẽ rất chú trọng vào khâu đề thi, bảo đảm phân hóa để phân loại tối ưu nhất trình độ của thí sinh.

Thu Hương