Cẩn trọng trong việc chọn trường
Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, thí sinh chuẩn bị đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học (ĐH) trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Ngoài việc cần nắm rõ các mốc thời gian quy định, thí sinh cần cẩn trọng trong việc chọn ngành, chọn trường.
Lưu ý về mốc thời gian
Hiện các tỉnh, thành đang trong giai đoạn chấm thi, dự kiến công bố kết quả vào sáng 17/7. Ngoài Ngữ văn là môn thi tự luận được chấm 2 vòng độc lập, các môn trắc nghiệm được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng do Bộ GDĐT cấp. Sau khi biết điểm thi, thí sinh có 10 ngày để đăng ký phúc khảo từ 17/7 - 26/7. Thí sinh có nguyện vọng vào ĐH sẽ đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GDĐT từ ngày 18/7 - 30/7.
Lưu ý với các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, các em vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GDĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng. Nếu thí sinh không đăng ký trên hệ thống sẽ được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành/trường ĐH đó.
Khi đã có tên trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm và được các cơ sở đào tạo đưa lên hệ thống, nếu thí sinh lựa chọn và muốn chắc chắn trúng tuyển ngành đó, thí sinh cần đăng ký ngành đó vào nguyện vọng 1.
Bộ GDĐT cũng lưu ý, thí sinh tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển; thí sinh chưa rõ các nội dung khai báo, nộp lệ phí xét tuyển có thể liên hệ với cán bộ tại các điểm tiếp nhận hoặc cán bộ của trường trực các số điện thoại hỗ trợ công tác tuyển sinh để được hướng dẫn.
Cân nhắc 4 yếu tố khi chọn ngành, chọn trường
Trong thời gian chờ đợi điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh và gia đình cần dành thời gian tìm hiểu, kiểm tra lại việc chọn ngành học theo các tiêu chí phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và cơ hội nghề nghiệp tương lai. Nếu thiếu một trong những yếu tố này sẽ khó để đảm bảo ngành học, trường học được chọn là sự phù hợp nhất bởi hiện nay, việc đào tạo trong các trường ĐH rất đa dạng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, về quản lý chất lượng đào tạo, Bộ GDĐT ban hành các chuẩn tối thiểu với các chương trình đào tạo, cụ thể như đầu vào, đội ngũ, cơ sở vật chất... khi các em nỗ lực học tập, tốt nghiệp nghĩa là sẽ đảm bảo chuẩn đầu ra tối thiểu theo quy định của Bộ theo khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Dẫu vậy, tuỳ thuộc vào nguồn lực đầu tư của các trường, uy tín, thương hiệu, bề dày chất lượng đã được tích lũy theo thời gian và sự đầu tư của các bên liên quan mà mỗi trường có sự khác nhau về chương trình đào tạo. Một hệ thống giáo dục ĐH luôn luôn có sự phân loại cơ sở giáo dục cả về chất lượng và số lượng. Trường nào có chuẩn cao thì sản phẩm đầu ra sẽ hấp dẫn hơn trên thị trường lao động.
Song bà Thủy nhấn mạnh đến sự nỗ lực, phương pháp học tập của mỗi cá nhân sinh viên. Dù không học trường tốp đầu nhưng nếu sinh viên nỗ lực, biết tự học, có phương pháp học tập hiệu quả, tinh thần học tập suốt đời, để thích ứng với thị trường lao động và sự phát triển của khoa học công nghệ thì các em sẽ không lo lắng về vấn đề việc làm.
TS Lê Thị Thanh Mai - nguyên Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM đưa ra lời khuyên, nên chọn nguyện vọng theo nguyên tắc cùng một ngành ở các trường khác nhau hoặc các ngành gần (cùng một nhóm ngành hoặc cơ hội việc làm gần nhau). Các em đối chiếu sở thích, mong muốn với điều kiện về điểm số, hoàn cảnh của bản thân để quyết định chọn ngành, chọn trường và sắp xếp các nguyện vọng theo mức độ yêu thích từ cao xuống thấp. Cần chú ý không nên chọn ngành “chắc đỗ” nhưng lại không phải là ngành yêu thích nhất lên trên, vì như vậy có thể bỏ lỡ ngành yêu thích nhất của mình dù điểm số sau đó đáp ứng yêu cầu xét tuyển của trường.
ĐH không phải là học đại. Không nên đậu ĐH bất chấp ngành gì bởi nếu không xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình một cách rõ ràng sẽ khiến các em thiếu đi động lực học tập, thậm chí học nhưng không yêu thích, học miễn cưỡng thì khó đạt kết quả tốt, sau này ra trường cũng khó thành công với công việc, hoặc sẽ làm trái ngành, trái nghề, lãng phí thời gian, công sức đã bỏ ra.