Mưa cực đoan ảnh hưởng tới sức khỏe hô hấp
Mưa lớn mang đến mối lo ngại về lũ lụt và lở đất. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thời tiết này ảnh hưởng đến hệ hô hấp?
Làm rõ mối liên hệ
Các nhà khoa học hiện đang làm rõ sự liên quan đó, rút ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các loại mưa cực đoan đang diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu và sự gia tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh về đường hô hấp. Mặc dù cần phải làm nhiều việc hơn để làm rõ mối liên hệ, nhưng điều này có ý nghĩa đối với những người mắc bệnh hen suyễn và các bệnh tương tự khác.
Trong một bài báo trên tạp chí Nature Sustainability vào tháng 2, các nhà nghiên cứu kiểm tra mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong do hô hấp và mưa cực đoan ở 30 thành phố trên khắp Đông Á và phát hiện lượng mưa với cường độ dự kiến cứ 5 và 10 năm một lần sẽ có liên quan đáng kể với nguy cơ tử vong do các bệnh về đường hô hấp tăng lên so với những ngày không có lượng mưa lớn. Mối liên hệ mạnh nhất với bệnh hen suyễn, tiếp theo là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên, không có mối liên quan đáng kể nào với bệnh viêm phổi.
Ở Nhật Bản, nghiên cứu tại các thành phố như: Sapporo, Sendai, Tokyo, Nagoya, Osaka, Kitakyushu và Fukuoka đã phát hiện đối với những trận mưa với cường độ dự kiến cứ 5 năm một lần, có khoảng 3,08 - 5,38 ca tử vong do hô hấp trên 10.000 người từ năm 1980 đến năm 2020, nghiên cứu này không tính đến tác động của mưa lớn đối với sức khỏe hô hấp mà không gây tử vong.
Ông Cheng He - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại viện nghiên cứu y tế Helmholtz Munich, tác giả chính của nghiên cứu trên cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa các đợt mưa cực đoan và tỷ lệ tử vong do hô hấp ở các thành phố này của Nhật Bản và ảnh hưởng của nó có thể kéo dài hơn 3 - 4 ngày”.
Kết quả tương tự về tỷ lệ tử vong cũng được tìm thấy ở các thành phố ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, nguy cơ tử vong do hô hấp đặc biệt rõ rệt đối với những người từ 65 tuổi trở lên, mối lo ngại lớn đối với Nhật Bản do dân số già đi.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, vào năm 2020, tần suất mưa xối xả từ vùng mưa tuyến tính cao gấp 2,2 lần so với 45 năm trước đó. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này.
Trên thực tế, 5 tổ chức của Nhật Bản, trong đó có Đại học Kyoto đang nghiên cứu các kỹ thuật điều khiển thời tiết để ngăn mưa lớn, trong đó, việc sử dụng đá khô đang được khám phá như một cách chống lại các vùng mưa tuyến tính thông qua sự gián đoạn của dòng không khí và hơi nước.
Một nghiên cứu do Đại học Tsukuba dẫn đầu cho thấy, Nhật Bản cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ “các dòng sông trong khí quyển”. Do biến đổi khí hậu, những hành lang chứa hơi ẩm tập trung trong khí quyển dự kiến sẽ mang lại lượng mưa kỷ lục, đặc biệt là sườn Tây Nam của dãy Alps Nhật Bản. Các dòng sông khí quyển có thể đóng vai trò trong việc hình thành các vùng mưa tuyến tính, có liên quan đến mưa cực lớn ở Hiroshima năm 2014, miền Tây Nhật Bản năm 2018 và Tohoku vào tháng 8/2022.
Từ cảnh giác đến cảnh báo
Trong khi các nhà khoa học đã bắt đầu quan sát thấy mối liên quan giữa mưa cực đoan và sức khỏe hô hấp, thì cơ chế sinh học thực sự liên kết cả hai vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số lời giải thích khả dĩ: áp suất khí quyển giảm đột ngột; biến động nhiệt độ lớn trong ngày khi xảy ra lượng mưa cực lớn; sự trùng hợp của giông bão và lượng phấn hoa cao; ô nhiễm nước uống và thực phẩm; cũng như tình trạng mất điện làm gián đoạn việc sử dụng các thiết bị quan trọng như máy thở.
Độ ẩm tăng cao cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, cũng như làm co các mao mạch ở đường hô hấp trên. Trường hợp mưa nhẹ thực sự có thể làm giảm số lượng phấn hoa, thì mưa lớn có thể gây ra sự gia tăng bằng cách phá vỡ các khối phấn hoa thành các hạt nhỏ hơn, cho phép chúng phân tán. Sự hình thành của giông bão có thể cuốn các hạt lên mây và sau khi chúng hấp thụ nước, chúng phồng lên và vỡ tung.
Thật vậy, một số cơ chế được đề xuất này theo dõi bằng chứng giai thoại từ những người mắc bệnh hen suyễn, một số người trong số họ đã báo cáo bị lên cơn do giông bão, một cơn bão như vậy ở Melbourne năm 2016 đã khiến tỷ lệ nhập viện liên quan đến hen suyễn tăng 672%.
Đối với giáo sư He, những nghiên cứu tương tự như của ông nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong việc đưa dự báo thời tiết vào kế hoạch của họ và tầm quan trọng của công việc ở cấp cộng đồng nhằm giáo dục những người dễ bị tổn thương về những rủi ro do mưa và lũ lụt cực đoan gây ra.
Nhưng nó cũng làm rõ hơn một điểm cơ bản về biến đổi khí hậu, tác động của nó vượt xa nhiệt độ cao. “Rất nhiều người chỉ nghĩ rằng biến đổi khí hậu là sự thay đổi nhiệt độ trung bình, nhưng thực tế, tất cả các loại hiện tượng cực đoan khác nhau cũng có liên quan đến biến đổi khí hậu” - ông He nói.
Theo giáo sư Hidenori Kage - Đại học Tokyo, hiện các bác sĩ chỉ có thể cố gắng làm cho bệnh nhân hiểu rằng kết quả nghiên cứu trên có nhiều khả năng xảy ra, dù vẫn còn thiếu bằng chứng thuyết phục về bản chất của liên kết sinh học. Nhưng nếu điều đó xuất hiện, những hiểu biết sâu sắc này có thể được đưa vào các hướng dẫn y tế chính thức.