Văn hóa

Thăng trầm nghề thêu ren Văn Lâm

Đình Minh 06/07/2024 09:34

Hình thành cách đây hàng trăm năm, nhưng tới nay làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đang đứng trước nguy cơ mai một.

anhbaitren(2).jpg
Nghề thêu ren tại Văn Lâm đang dần bị mai một. Ảnh: Đình Minh.

Một thời vàng son

Làng nghề thêu ren Văn Lâm ẩn mình bên trong quần thể danh thắng Tam Cốc - Bích Động. Các nghệ nhân cao tuổi cho biết, nghề thêu ren ở đây có tuổi đời trên 700 năm, xuất hiện từ thời nhà Trần. Sau một thời gian dài bị mai một, đến năm 1910, ông Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoang ở làng Văn Lâm đã học được nghề thêu ren từ người Pháp để truyền dạy cho dân làng. Kể từ đó đến nay, Văn Lâm có thêm nghề thêu ren và được lưu giữ đến tận bây giờ.

Ghé làng Văn Lâm đầu tháng 7, chúng tôi gặp bà Đinh Thị Nhi (66 tuổi), truyền nhân đời thứ 2 của ông Hênh và ông Xoang. Bà Nhi kể, ông nội Đinh Kim Tuyến sinh được 5 người con, trong đó có ông Hênh và ông Xoang. Sau khi khăn gói lên Hà Đông học nghề ở nhà ông Hàn Tham, 2 ông được giới thiệu làm thuê cho bà Lê Thái Tỉnh – một chủ hàng thêu nổi tiếng trên phố cổ Hà Nội. Với vốn nghề truyền thống sẵn có, 2 ông tiếp thu rất nhanh, học được kỹ thuật thêu rua - ren từ thợ thêu Hà Thành. Thấy 2 anh em thông minh, khéo tay nên bà Tỉnh rất quý, giao cho các đơn hàng lớn chuyên làm cho người Pháp lúc bấy giờ.

Sau khi thạo nghề, hai anh em về làng đem tất cả những kỹ thuật học được hướng dẫn cho các thợ thêu lành nghề để thực hiện các đơn hàng lớn. Lớp trước dạy lớp sau, dần dà, cả làng Văn Lâm đã học và thành thạo kỹ thuật rua - ren mới với sản phẩm chất lượng. Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, 2 anh em ông Hênh, ông Xoang và các thợ thêu còn tạo ra các mẫu thêu pha hoa rua, ren mới lạ, kết hợp giữa kỹ thuật thêu truyền thống với kỹ thuật rua - ren phương Tây. Sau khi 2 ông mất, để tri ân công lao của 2 người, nhân dân làng Văn Lâm lập ra một ngôi miếu để thờ phụng và tôn vinh ông Hênh, ông Xoang là ông tổ của nghề ren – rua.

Từ khi có nghề thêu ren, làng Văn Lâm bước vào thời kỳ hưng thịnh. Cả làng như một công xưởng, nhà nhà làm nghề, người người theo nghề.

Theo bà Nhi, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, làng nghề rất phát triển, cứ khoảng 10 ngày sẽ có 1 tốp thanh niên đạp xe ra Nam Định, Hải Phòng để lấy vải, chỉ về làm và trả hàng xuất khẩu. Không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, nghề thêu rua - ren còn tạo dựng cho con người Văn Lâm nhiều đức tính, phẩm chất quý báu như cần cù, chịu khó, sáng tạo, thẩm mỹ cao, ngăn nắp, chỉn chu...

Tìm cách hồi sinh

Chị Đinh Thị Hằng Nga, đại diện một cơ sở in thêu ở Ninh Hải cho biết: Để làm ra một tác phẩm thêu cần trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, các nghệ nhân phải lên ý tưởng thiết kế, sau đó in bản vẽ hoạ tiết lên một tấm phim, dùng mũi kim châm theo bản vẽ rồi đặt bản vẽ lên tấm vải, sử dụng dầu và màu in quét lên bản vẽ. Khi tấm vải hiện hoạ tiết, người thợ sẽ châm kim theo các đường nét. Trong quá trình này, những người thợ giỏi, lành nghề sẽ tự điều chỉnh để đường thêu trông mềm mại, tinh xảo hơn. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có số ít thợ thêu làm được điều đó và đa phần họ đều đã cao tuổi.

Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nghệ nhân đất Văn Lâm đã làm ra rất nhiều sản phẩm thêu ren độc đáo, được người tiêu dùng đánh giá cao như túi xách lụa, khăn lụa, chăn ga gối hay tranh thêu cố đô Hoa Lư, Tam Cốc, Nhà thờ đá Phát Diệm, chăn thêu hình hoa sen... Trong số các tác phẩm này, nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, nghề thêu ren tại Văn Lâm bắt đầu mai một khi một bộ phận lớn lao động tại địa phương đã chuyển từ thêu sang làm du lịch. Ngay như bà bà Đinh Thị Nhi hiện cũng vừa làm nghề lái đò, vừa tranh thủ thêu ren để kiếm thêm thu nhập. Theo bà Nhi, đối với các hộ thêu ren nhỏ lẻ, các sản phẩm làm ra rất khó bán, có khi cả năm trời chỉ tiêu thụ được 1 - 2 sản phẩm. Bà Nhi nhẩm tính, hiện tại nghề thêu chỉ cho thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày, trong khi thu nhập từ việc lái đò ở Tam Cốc ở mức 200.000 đồng/mỗi chuyến đò.

Ông Đinh Anh Tới – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Thời kỳ hoàng kim, làng Văn Lâm có tới 250 – 300 người làm nghề thêu ren. Tuy nhiên, hiện nay, số người theo nghề chỉ còn trên 20 người. Trước sự mai một của làng nghề, ông Tới cho rằng đây là một thực trạng tất yếu do nghề thêu ren khó có thể nuôi sống người dân và không thể cạnh tranh với những nghề khác tại địa phương.

Năm 2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận làng nghề thêu ren Văn Lâm là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo ông Tới, đây là cú hích để đưa làng nghề thêu Văn Lâm trở lại. Để “hồi sinh” làng nghề, những năm gần đây, chính quyền tỉnh Ninh Bình cũng đã triển khai nhiều giải pháp như chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cụ thể, nhờ tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm của làng thêu ren Văn Lâm có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; qua đó góp phần quảng bá thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trên toàn thế giới…

Đình Minh