Xã hội

Lan tỏa 'lối sống xanh' đến cộng đồng

Phương Linh 06/07/2024 19:22

Khác với nhiều mô hình và tư duy kinh doanh thời Jo bắt đầu khởi nghiệp, cô khát khao tạo ra những giá trị cho cộng đồng chứ không chỉ là lợi nhuận.

anh-4.jpg
Lâm Huy Ngân lan tỏa “lối sống xanh” bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Lâm Huy Ngân, cựu sinh viên ngành Truyền thông, trường Đại học RMIT TP Hồ Chí Minh còn được biết đến với tên gọi Jo gắn liền với 2 thương hiệu thời trang Jamlos và Rustea chuyên sản xuất các sản phẩm túi, ba lô làm từ chất liệu vải canvas và quần áo làm từ vải linen cotton.

10 năm trước, Jo khởi nghiệp với thương hiệu Jamlos - chuyên các sản phẩm về túi và ba lô bằng chất liệu vải canvas, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành hàng khi ấy vẫn chọn chất liệu nilon cho ra các sản phẩm thời trang.

Khởi nghiệp để tạo ra giá trị cho cộng đồng

Sở dĩ Jo chọn chất liệu canvas là bởi mong muốn cháy bỏng tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, mong những “sản phẩm xanh” này sẽ dần trở thành nhu cầu của tất cả mọi người và quan trọng hơn là góp phần hình thành thói quen tiêu dùng bảo vệ môi trường ở mỗi người dân.

anh-5.jpg
Lâm Huy Ngân: “Sản phẩm phải chuyển tải được những thông điệp có ích cho xã hội”.

Khác với nhiều mô hình và tư duy kinh doanh thời Jo bắt đầu khởi nghiệp, cô khát khao tạo ra những giá trị cho cộng đồng chứ không chỉ là lợi nhuận. Jo tâm sự: “Mình chỉ làm những sản phẩm mà chính bản thân tin tưởng và nhận được những giá trị tốt đẹp từ các sản phẩm mình sử dụng hàng ngày. Sản phẩm ấy phải chuyển tải được những thông điệp có ích cho xã hội”.

Cũng bởi đam mê chất “mộc” của vải canvas được dệt từ sợi cotton và sợi gai dầu, Jo luôn đi theo tiêu chí chọn chất liệu canvas làm trung tâm của mọi thiết kế và kế hoạch sản phẩm. Mỗi sản phẩm đều có thể kể những câu chuyện đầy cảm xúc, chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ về môi trường. Jo cho biết, chính việc kể chuyện này đã giúp hai thương hiệu của Jo tiếp cận và kết nối sâu sắc với khách hàng và yếu tố quyết định làm nên thành công của cô chính là những câu chuyện kể đi cùng những chiếc túi canvas khi trao đến tay khách hàng.

Jo cũng thường xuyên tập huấn và truyền cảm hứng về tinh thần thương hiệu thân thiện với môi trường đến toàn bộ đội ngũ nhân viên của mình, từ đó đội ngũ này cùng những “sản phẩm biết kể chuyện mình” lan tỏa đến người tiêu dùng. Các thông điệp trực tiếp về bảo vệ môi trường được đưa vào chính cái tên của sản phẩm như Left-over Tote hay Recycle Keychain/Charm, hoặc những workshop sáng tạo túi từ vải thừa hoặc quần áo cũ. Thông điệp bảo vệ môi trường từ các sản phẩm đã giúp người dùng ngày càng yêu thích sản phẩm thân thiện môi trường hơn và đồng hành với các chiến dịch tái chế, sử dụng vải thừa từ sản xuất và cùng góp doanh thu vào các quỹ xã hội, quỹ vì trẻ em và trồng cây.

Khởi nghiệp, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, Jo cho rằng, cùng với lợi ích kinh tế phải là lợi ích cho xã hội được tạo ra từ việc sử dụng sản phẩm. Điều đó thấm nhuần từ tư duy đến hành động thực tiễn mà Jo kiên trì theo đuổi với niềm tin vào những giá trị mà mình tạo ra trên tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trung thành với lối thiết kế đơn giản trên chất canvas thuần, Jamlos đã từng bước chinh phục thị trường, đồng hành cùng phong cách sống tối giản nhưng năng động của giới trẻ. Và điều quan trọng là những sản phẩm túi, balo đã lan tỏa lối sống “xanh” tạo sức hút đối với người tiêu dùng.

Chặng đường hơn 10 năm, Jo cho rằng điều mình gặt hái được nhiều nhất chính là niềm tin, sự công nhận và sự đồng hành ủng hộ của những người quan tâm đến môi trường và cả các đối tác, tổ chức cùng chung giá trị mà doanh nghiệp theo đuổi.

Hiện, Jo vẫn đang nỗ lực xây dựng một “cộng đồng xanh” - nơi kết nối toàn thể nhân viên, người tiêu dùng và các đối tác dựa trên tinh thần trách nhiệm, tạo nên một xu hướng, một phong cách sống của người tiêu dùng cũng như tất cả mọi người vì môi trường xanh và phát triển bền vững.

anh-3.jpg
Các thông điệp trực tiếp về bảo vệ môi trường được đưa vào chính cái tên của sản phẩm.

Cả hai thương hiệu thời trang mà Jo điều hành đều hướng đến mục tiêu trở thành chuyên gia và là cầu nối hỗ trợ các ngành khác với chiến lược đại dương xanh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo hướng đại dương xanh. Bất cứ ý tưởng mới hay cải tiến nào của Jo cũng đều được nhân rộng và lan tỏa. “Mục tiêu đại dương xanh luôn là tiền đề và động lực để công ty và đội ngũ Jamlos và Rustea phát triển ngày càng bền vững hơn. Bền ở sản phẩm và vững ở tinh thần và lý tưởng làm việc. Từ đó, có thể mang những giá trị xanh của môi trường và của cả đại dương đóng góp vào các dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để lan tỏa trên diện rộng” – Jo khẳng định.

“Lối sống xanh” từ trải nghiệm nước Úc

Đất nước Úc và nền giáo dục của Úc mà Jo có cơ hội trải nghiệm đã ảnh hưởng rất lớn đến tư duy bảo vệ môi trường của Jo. Jo rất tâm đắc với phong cách “sống xanh”, “thói quen xanh”, thưởng thức “thực phẩm xanh” của người dân Úc. Ở bất cứ nơi nào, mọi người đều hòa mình vào “môi trường xanh”. Nhà cửa đều được thiết kế để lấy được nhiều nhất ánh sáng rực rỡ, nguồn năng lượng tự nhiên của đất trời. Khái niệm “môi trường xanh” đã ăn sâu trong nhận thức của dân Úc, trong cả cách họ sản xuất và sử dụng đồ tái chế.

anh-5.1.jpeg
Nền giáo dục của Úc cho Lâm Huy Ngân tư duy bảo vệ môi trường và lan tỏa “lối sống xanh”.

“Nước Úc hiền hoà, thân thiện, truyền cảm hứng đến sinh viên một cách chân thực để sinh viên tự tạo ra tư duy và cá tính riêng của mình, sau khi tốt nghiệp bước ra ngoài tự tin hơn với lý tưởng, giá trị mà mình theo đuổi” – Jo tâm sự.

Jo đặc biệt ấn tượng với môi trường giáo dục của các trường đại học Úc, mê cái không gian kiến trúc phòng học, cách sử dụng ánh sáng, nguồn năng lượng điện tái chế và tiết kiệm điện, cách phân loại rác, cách bố trí và lựa chọn vật liệu hàng ngày... Tất cả đã tạo cho người học ý thức bảo vệ môi trường một cách tự nhiên.

Những năm tháng học ở RMIT, ngành Truyền thông Chuyên nghiệp, đã góp phần bồi đắp ý thức, phát triển tư duy về một cuộc sống xanh của Jo. Nhờ tích cực tham gia hoạt động của các câu lạc bộ, các hoạt động đa dạng tại RMIT, từ hoạt động bảo vệ môi trường đến các sự kiện mở rộng giao lưu với các trường đại học khác, làm nguyện viên cho các tổ chức phi chính phủ, Jo đã học được tư duy quản lý, tổ chức, sự chủ động thực hiện ý tưởng, dám nghĩ dám làm để tạo ra các sản phẩm mang đến những giá trị sống cùng lợi ích kinh tế. Đó là cách để doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện một sứ mệnh lớn hơn, thiết thực hơn, đó là bảo tồn môi trường sống vì một tương lai phát triển hài hòa cho cả tự nhiên và con người – Jo trải lòng.

Phương Linh