Ngành học mới: Nhu cầu việc làm thế nào?
Năm 2024, nhiều trường đại học tuyển sinh chương trình, ngành học mới lần đầu được đào tạo ở Việt Nam. Những ngành học này được đánh giá thị trường đang có nhu cầu cao, dễ kiếm việc làm.
Nhiều ngành học liên quan trí tuệ nhân tạo
Bắt đầu từ năm 2024, ĐH Kinh tế TPHCM là trường đầu tiên trên cả nước đào tạo chuyên sâu bậc đại học ngành ArtTech (Công nghệ nghệ thuật) với 70 chỉ tiêu. Chương trình đào tạo chuyên sâu những nội dung nổi bật như thiết kế truyền thông, kỹ xảo điện ảnh, thiết kế tương tác, nghệ thuật trí tuệ nhân tạo… Ngoài ra có thêm các môn học nghiên cứu về tâm lý người dùng.
Phía nhà trường cho biết, trường đã khảo sát hơn 100 doanh nghiệp trong các lĩnh vực marketing, quảng cáo, tổ chức sự kiện, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thiết kế, truyền thông... để nắm bắt được nhu cầu việc làm của ngành này. Thời gian vừa qua, trường đã đầu tư cơ sở vật chất liên quan bao gồm trí tuệ nhân tạo big data, đồ họa máy tính, hiệu ứng hình ảnh và kỹ xảo điện ảnh.
Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chính thức ra mắt chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI). Đây là chương trình sau đại học với thời gian đào tạo 1,5 năm dành cho cử nhân trong lĩnh vực Công nghệ thông tin - Truyền thông hoặc các ngành Toán tin, Khoa học tính toán, Cơ sở toán học cho tin học...
Theo PGS. TS Tạ Hải Hùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, học viên GenAI sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng về AI và chuyên sâu về GenAI, học tập thông qua trải nghiệm tại các doanh nghiệp hàng đầu để áp dụng kiến thức vào thực tế. Chương trình được thiết kế và giảng dạy bởi các chuyên gia AI, đối tác đào tạo của chương trình là các tập đoàn lớn.
Theo TS Đinh Viết Sang - Giám đốc chương trình đào tạo, ứng dụng của GenAI rất rộng, từ nghệ thuật và thiết kế, sáng tạo nội dung, đến thương mại điện tử, marketing, tài chính ngân hàng, y học, giáo dục. Đầu tư vào GenAI trên thế giới năm ngoái đạt 25 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022, dự kiến lên 45 tỷ USD vào năm nay. Báo cáo Statista Market Insights nhận định quy mô thị trường GenAI tại Việt Nam có mức tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 23%, đến năm 2030 sẽ ở mức gần một tỷ USD.
Đứng trước sự bùng nổ của GenAI, các công ty công nghệ, các ngân hàng hàng đầu đang đầu tư căn cơ về yếu tố con người, hạ tầng, công nghệ liên quan đến GenAI. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GenAI là nhu cầu cấp thiết.
Đây không chỉ là một chương trình đào tạo, mà còn là cam kết của nhà trường trong việc đóng góp vào sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Trường mong muốn rằng, các kỹ sư GenAI tốt nghiệp từ chương trình sẽ trở thành những người tiên phong, dẫn dắt xu hướng công nghệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Mở ngành học mới theo xu thế
Năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức mở ngành học đào tạo chính quy và chuyên sâu về game đầu tiên tại Việt Nam là chuyên ngành Thiết kế và Phát triển game với 200 chỉ tiêu. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở các vị trí như chuyên gia thiết kế kịch bản game, chuyên gia phát triển game, phát triển và phân phối game…
Sinh viên còn có thể làm công việc như kiểm thử game, chuyên viên triển khai, vận hành, bảo trì hệ thống game, chuyên viên thiết kế, phát triển, kiểm thử phần mềm…
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm 2024 là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng. Đây cũng là ngành học tuyển sinh lần đầu tiên tại Việt Nam. Sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức tổng hợp, hệ thống về điện ảnh, nghệ thuật và khoa học xã hội - nhân văn.
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm như: biên kịch điện ảnh, truyền hình, sân khấu, sản phẩm đa phương tiện; nghiên cứu viên, nhà lý luận phê bình điện ảnh và nghệ thuật đại chúng; sáng tạo nội dung số; xây dựng kế hoạch truyền thông và quảng bá…
Ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc cũng lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam ở ĐH Quốc gia TPHCM. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn Quốc, am hiểu về văn hóa, lịch sử và con người Hàn Quốc, xu hướng kinh doanh, thương mại Hàn Quốc cũng như các kiến thức về quản lý, quản trị hiện đại… Nhiều vị trí việc làm dành cho cử nhân ngành này như marketing và xúc tiến sản phẩm, nghiên cứu thị trường và nghiên cứu khách hàng, thông biên dịch, giảng viên, nghiên cứu viên...
Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17h ngày 30/7. Trước xu thế mở ngành hiện nay, các chuyên gia lưu ý các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành. Đảm bảo ngành phù hợp năng lực của bản thân, trường học đáp ứng chất lượng đào tạo của ngành đó.
Theo các chuyên gia, để chọn ngành, chọn nghề cho phù hợp, thí sinh phải xác định mục tiêu nghề nghiệp, đánh giá bản thân có phù hợp với ngành nghề đó không (dựa trên kiến thức, kỹ năng và tính cách), xem xét nhu cầu xã hội để có thể chọn cho mình nghề nghiệp dự định theo nó suốt đời. Sau khi xác định được ngành nghề mong muốn, thí sinh cần xem xét hoàn cảnh điều kiện kinh tế của gia đình và lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.
Trong việc mở ngành mới, việc đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ bắt buộc. Chất lượng đào tạo không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên mà còn đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Chỉ khi đảm bảo được chất lượng, ngành mới mở ra mới có ý nghĩa và giá trị trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội và mang lại cơ hội phát triển cho người học.
Về vấn đế này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đã lưu ý, khi mở ngành mới các trường phải xác định được đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không. Điểm quan trọng nữa là trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng.
Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển, để thí sinh lựa chọn. Hiện nay, Bộ quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.