Mặt trận

Tạo bước đột phá trong giám sát và phản biện xã hội

PHƯƠNG NGUYÊN 07/07/2024 07:27

Nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được chú trọng thực hiện, khơi gợi tinh thần đổi mới, sức sáng tạo trong nhân dân. Từ đó, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

giam-sat-phan-bien-hung-yen.jpg
Hòm thư góp ý được Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên triển khai xây dựng tại 100% khu dân cư trên địa bàn. Ảnh: Văn Túy.

Hằng năm, trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của địa phương và nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, MTTQ và các tổ chức thành viên xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ đã lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm, sát với tình hình thực tế.

Vì vậy, năm 2023, khi thôn Dị Chế, xã Dị Chế tiến hành thi công tuyến đường liên thôn dài 1 km từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước và nguồn hỗ trợ của người dân, xã Dị Chế đã thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để đảm nhận giám sát việc này. Trong đó, nội dung giám sát tập trung vào phần thiết kế, kĩ thuật, chất lượng và tiến độ dự án. Qua đó, góp phần đảm bảo chất lượng công trình và phòng, chống lãng phí, thất thoát khi đầu tư xây dựng.

Ông Vũ Đức Tĩnh - Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Dị Chế cho biết, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã đem lại những hiệu quả thiết thực góp phần phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ cũng như vai trò chủ động, tích cực của nhân dân trong tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Vì vậy, khi thi công, nếu thấy chất lượng chỗ nào chưa đạt chúng tôi kiên quyết nhắc nhở làm lại. Nếu bà con nhân dân có ý kiến, có kiến nghị đều được tiếp thu và giải quyết kịp thời. Qua đó, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong xã hội.

“Với vai trò, vị trí của mình, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại cơ sở đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong giám sát và hậu giám sát. Từ đó, phản ánh những nội dung mà địa phương chưa thực hiện tốt trong các công trình”, ông Tĩnh chia sẻ.

Kết quả thực tiễn đã chứng minh, việc đổi mới phương thức hoạt động, lấy công tác giám sát, phản biện xã hội làm động lực để phát huy dân chủ trong nhân dân của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Tiêu biểu như tại xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, MTTQ huyện đã không ngừng chú trọng, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội. Hằng năm, trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của địa phương và nắm bắt tình hình dư luận xã hội, MTTQ xã Việt Hưng lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm sát với tình hình thực tế.

Ông Vũ Văn Trưởng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Việt Hưng cho biết, trong thời gian qua, công tác giám sát và phản biện của xã tập trung giám sát những ý kiến, kiến nghị của cử tri quan tâm. Cùng với đó, MTTQ xã còn đẩy mạnh tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn. Qua đó, đơn thư khiếu kiện vượt cấp qua từng năm giảm đáng kể.

Chia sẻ vấn đề này, ông Tôn Ngọc Chuẩn - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Lâm cho biết, từ năm 2028 đến nay, MTTQ huyện Văn Lâm đã thành lập được 15 đoàn giám sát; MTTQ các xã, thị trấn thành lập được 27 đoàn.

Các nội dung giám sát tập trung vào giám sát tình trạng giải quyết đơn thư, tố cáo của nhân dân; hòa giải ở cơ sở; giám sát xây dựng nông thôn mới... Trong thời gian tới, để tập trung làm tốt hơn công tác giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các tổ chức thành viên trong huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giám sát. Thông qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Còn tại huyện Kim Động, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bà Trần Thị Thắm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kim Động cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quy định về trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân; chủ động báo cáo tình hình nhân dân, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp.

Ủy ban MTTQ huyện còn hướng dẫn MTTQ các xã, thị trấn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm, trong đó lựa chọn những nội dung giám sát về các lĩnh vực mà nhân dân quan tâm, phù hợp với thực tiễn của cơ sở.

Ngoài ra, MTTQ các cấp còn đẩy mạnh triển khai xây dựng hòm thư góp ý ở khu dân cư. Thông qua đó, MTTQ từ huyện xuống cơ sở đã nắm bắt kịp thời những ý kiến, dư luận trong nhân dân, từ đó có thêm thông tin phục vụ cho công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp.

Bà Quách Thị Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ các cấp trong tỉnh. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp đã chủ trì thành lập Đoàn giám sát thực hiện được 2.590 cuộc; phối hợp giám sát 3.966 cuộc; giám sát thông qua xem xét, nghiên cứu văn bản được 2.178 văn bản; Ban Thanh tra nhân dân giám sát 1.741 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 1.792 cuộc, đã kiến nghị 148 vụ việc đến các ngành chức năng.

Riêng năm 2023, có 2 cuộc giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, dự án đầu tư tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan đi qua 2 huyện Ân Thi và Phù Cừ... Qua giám sát, các nội dung kiến nghị đã được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời. Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

“Thực tiễn chứng minh, việc đổi mới phương thức hoạt động, lấy công tác giám sát, phản biện xã hội làm động lực đã đáp ứng được yêu cầu phát triển và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, bà Hương chia sẻ

PHƯƠNG NGUYÊN