Hy vọng
Tối 6/7, tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana (thành phố Đà Nẵng), Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 (DANAFF II) đã bế mạc với tổng cộng 14 giải thưởng. Ở hạng mục Giải thưởng phim châu Á dự thi: Hạng mục Kịch bản xuất sắc được trao cho phim “Liu Jiayin” trong phim “Những mảnh đời đáng giá”. Hạng mục Nam chính xuất sắc được trao cho diễn viên Wu Kang Ren trong phim “Nguyện ước vĩnh cửu”. Hạng mục Nữ chính xuất sắc được trao cho Yuumi Kawai trong phim “Cuộc đời của Ann”. Hạng mục Đạo diễn xuất sắc được trao cho Phạm Thiên Ân trong phim “Bên trong vỏ kén vàng”. Hạng mục Giải đặc biệt của Ban Giám khảo được trao cho “Cuộc đời của Ann”. Hạng mục Giải thưởng cho phim châu Á hay nhất là phim “Cu Li không bao giờ khóc”.
Như vậy là có cả phim đến từ nước ngoài (châu Á) lẫn trong nước. LHP lần này (từ ngày 2 - 6/7) với chủ đề “Nhịp cầu châu Á” đã đem lại cho thành phố Đà Nẵng một tuần lễ điện ảnh sôi động, với 63 bộ phim tranh giải, trong đó: hạng mục phim châu Á (13 phim); hạng mục phim Việt Nam (10 phim); chương trình Điện ảnh Việt Nam hôm nay (18 phim)...
Trước đó, tháng 4, cũng đã diễn ra LHP quốc tế TPHCM (HIFF) lần đầu tiên, với 73 sự kiện liên quan được tổ chức trong 8 ngày. Giải thưởng quan trọng nhất của HIFF 2024 - Phim truyện điện ảnh Đông Nam Á xuất sắc nhất đã được trao cho bộ phim “Phúc âm thư của quái thú” của Philippines, nói về những vấn đề của người trẻ trong cuộc sống hôm nay.
Như vậy có thể thấy, chưa tới 3 tháng đã có 2 LHP quốc tế do các thành phố của Việt Nam tổ chức. Điều đó cho thấy khát vọng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện ảnh với thông điệp: Điện ảnh không chỉ là “sân chơi” mà còn là vườn ươm tài năng nghệ thuật, là sự khẳng định sức vươn cùng sự lan tỏa, trước hết là ở tầm châu lục.
Tại cả 2 LHP (Đà Nẵng và TPHCM) khán giả Việt Nam đã rất hào hứng. Không chỉ thưởng thức những bộ phim được trình chiếu rộng rãi mà còn có dịp so sánh, để “định vị” phim của chúng ta đang ở đâu so với châu lục. Đánh giá đó tuy có khác nhau nhưng cũng đều ghi nhận sự tiến bộ của phim Việt Nam, ít nhất là đã rút ngắn khoảng cách với phim của các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Điện ảnh đang ngày càng chứng tỏ vai trò trong đời sống. Phim Việt cũng đang rất nỗ lực tìm một lối đi hiệu quả nhất. Trước hết, phim phải ra rạp và trụ lại, không phải là những bộ phim làm xong chiếu vài buổi rồi cất vào kho. Tất nhiên, đó không phải là sự ve vuốt khán giả mà phải bằng chất lượng nghệ thuật.
Qua 2 LHP còn cho thấy một điều rất đáng quý, đó là sự xuất hiện của nhiều diễn viên trẻ có khả năng lấp đầy chỗ trống của những thế hệ diễn viên gạo cội. Đó chính là sự tiếp nối cần thiết để tạo ra sức bật mới. Bên cạnh đó, nhiều phim tham gia liên hoan còn cho thấy nỗ lực tìm kiếm tài trợ để sản xuất thay vì trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách.
Phải chăng, đó chính là sự tự lực vượt lên của phim Việt?