Thách thức 'hậu' tăng lương
Việc tăng lương cơ sở và nhiều chế độ về trợ cấp thất nghiệp, thai sản… đang đặt ra không ít thách thức lẫn cơ hội đối với nhiều địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Trước mắt là vấn đề giá cả hàng hóa, bên cạnh đó cùng với tăng lương còn phải tăng được năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chia sẻ với cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã cho biết, góc nhìn lạc quan của TPHCM đối với vấn đề tăng lương từ 1/7.
Tăng lương phải tăng năng suất
Theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, chính sách cải cách tiền lương mới không chỉ tác động tới cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách mà còn ảnh hưởng đến những người đang hưởng lương hưu. Đồng thời, việc tăng lương sẽ song hành với mục tiêu phải tăng được năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tạo áp lực trực tiếp cho việc đổi mới hoạt động sáng tạo, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp.
Ông Mãi cho biết, TPHCM đã có sự chuẩn bị sẵn sàng ngân sách để chi trả lương mới. Bởi vì, trước đó thành phố đã chủ động chỉ đạo rà soát, bảo đảm không có khó khăn khi áp dụng lương mới. Dù vậy, quá trình này vẫn tiếp tục, trong đó lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên theo dõi, giám sát để việc tăng lương được thực hiện đồng bộ. Quan điểm của UBND TPHCM là việc cải cách tiền lương gắn chặt chẽ với cải cách bộ máy, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tiền lương theo vị trí việc làm.
Hiện nay, TPHCM đang xây dựng đề án vị trí việc làm và tiếp tục hoàn thiện. Đề án hướng tới chính sách áp dụng trả lương theo vị trí việc làm, tức là tạo ra năng suất cao, đóng góp nhiều thì sẽ được hưởng lương cao. TPHCM cũng có những bước chuẩn bị quan trọng khi nghiên cứu các hình thức trả lương phù hợp để không tăng tổng quỹ tiền lương nhưng vẫn đảm bảo trả lương đúng, nâng cao năng suất lao động. Từ đó hướng tới chính sách khoán quỹ lương, khoán công việc để bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Sự chủ động của TPHCM trước chính sách cải cách tiền lương mới được thể hiện ngay từ kỳ họp thứ 12, HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi, chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ KHCN khác. Với nghị quyết này, TPHCM đã dự trù mức chi trả lương tháng cho người đứng đầu của tổ chức KHCN được tính theo các mức từ 60 triệu đồng, 80 triệu đồng, 100 triệu đồng và 120 triệu đồng. Những người hưởng mức lương ưu đãi nói trên còn được xem xét tăng 10% mức ưu đãi tương ứng mỗi năm một lần, căn cứ kết quả đánh giá hoạt động hàng năm. Nghị quyết kể trên cũng là một trong những vấn đề được cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ngoài Nghị quyết về tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi, chính sách ưu đãi khác, TPHCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước có sự cải cách triệt để bộ máy ở cơ sở.
Kể từ đầu tháng 4 đến nay, TPHCM đã hoàn tất quá trình thực hiện sắp xếp khu phố, ấp theo Nghị quyết 11 của HĐND thành phố. Trong đó, có hơn 2.000 khu phố, ấp và hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc 249 phường, 58 xã, 5 thị trấn trong diện được sắp xếp. Việc sắp xếp khu phố, ấp không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã nhưng vẫn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đảm bảo quyền lợi cho người tham gia công tác tại khu phố, ấp. Sau sắp xếp, TPHCM đã cải cách được bộ máy cơ sở, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trước khi áp dụng chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm.
Cần giải pháp an sinh bền vững
Dù đã có sự chủ động cho việc triển khai chính sách cải cách tiền lương mới chính thức có hiệu lực từ 1/7, thế nhưng cũng không phải không có những thách thức. Trong các cuộc tiếp xúc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM với cử tri TP Thủ Đức và hơn 20 quận/huyện của TPHCM sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri đã bày tỏ các lo ngại “hậu” tăng lương. Đó là tình trạng lương cơ sở tăng nhưng năng suất của công chức, viên chức thấp, tức tăng lương chưa đúng người, đúng việc, gây lãng phí ngân sách. Ngoài ra, cử tri cũng lo ngại lương cơ sở cho công chức, viên chức và người về hưu tăng 30% nhưng lương chưa tăng thì giá cả, dịch vụ đã tăng trước…
Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia cùng khu vực giai đoạn “hậu” tăng lương cũng đều phải giải quyết nhiều vấn đề. Dẫn chứng cụ thể, chuyên gia này cho biết, hồi đầu năm nay khi nhiều công ty, đơn vị ở Nhật Bản dự kiến tăng 3-5% lương cho người lao động để giải quyết tình trạng lãi suất âm kéo dài của quốc gia này. Kết quả, ngay khi các thông tin này ban bố thì tăng trưởng GDP của Nhật đã tăng nhẹ, dù vậy tiêu dùng giảm do các vấn đề về giá cả tiêu dùng tăng, tình trạng già hóa dân số và gia tăng người nhập cư.
“Mỗi quốc gia sẽ có các điều chỉnh về chính sách tiền lương dựa theo thực trạng kinh tế - xã hội của họ. TPHCM, Hà Nội và một số đô thị lớn của Việt Nam đã tiệm cận các đô thị lớn với “chiếc áo chật”. Do đó, tác động “hậu” tăng lương cũng là vấn đề bức xúc của chính quyền đô thị, cần được giải quyết một cách bền vững” - bà Sâm chia sẻ.
Có thể nói, song hành với việc thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, cần chủ động các giải pháp căn cơ để bình ổn giá cả thị trường, tránh tình trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng tăng lương để tăng giá, đồng thời cũng giúp người dân vơi đi nỗi lo tăng giá.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, sau khi tăng lương, giá cả hàng hóa thiết yếu sẽ tăng nhẹ, và sẽ còn tác động ngày càng rõ nét hơn trong thời điểm cuối năm nay và những năm tiếp theo. Dù vậy, không chỉ là vấn đề bình ổn giá thị trường, các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM cũng cần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội “hậu” tăng lương có tính dài hạn liên quan đến các chính sách về giải quyết việc làm; lao động mất việc hoặc thất nghiệp; chính sách về hưu trí và bảo hiểm xã hội. Bởi vì, đây mới chính thách thức đối với các đô thị đông dân và không ngừng gia tăng bởi lao động nhập cư.