Quốc tế

Khi rác thải đe dọa cuộc sống người dân

Bảo Thư 08/07/2024 19:37

Xả rác ra sông hồ là thực trạng đáng buồn tại nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, tại Guatemala, thậm chí trên một hồ nước dài 12km còn hình thành cả một “đảo rác”.

anhbaiduoi.jpg
Cậu bé Mauricio (10 tuổi) lội qua dòng nước bẩn ở một trong những hố rác ở Guatemala City. Nguồn: The Guardian.

Đó là hòn đảo giữa hồ Amatitlan tại Guatemala. Nhìn xa, người ta không nghĩ đó là hòn đảo có cư dân sinh sống mà tưởng rằng đó là một bãi rác khổng lồ. Rác thải đang khiến nước hồ ngày càng xuống cấp. Ô nhiễm khiến nồng độ nitơ trong nước tăng, dẫn đến sự phát triển quá mức của tảo siêu nhỏ, có màu xanh lục lam đặc trưng và thải ra độc tố loại bỏ các loại tảo làm sạch nước khác.

Ông Celetino De La Cruz, một cư dân trên đảo than thở, ngày xưa nước hồ trong vắt như pha lê. Nhưng giờ đây nó đã thành ra thế này. Thật đáng tiếc! Tuy nhiên, nhiều người cũng trách bản thân vì chính họ là những người đã xả rác ra môi trường, cùng với rác từ những nơi khác trôi đến, khiến đảo rác ngày càng phình to. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà sinh kế của người dân vốn sống dựa vào nghề đánh cá cũng ngày một khó khăn hơn.

Ông Yuri Geovani - nhân viên Công ty vệ sinh môi trường thành phố Nueva (Guatemala) cho biết: “Trên hồ này trôi nổi đủ loại rác. Chúng tôi đã cố gắng xử lý, có thời điểm có ít nhất 100 xe tải mỗi ngày thu gom rác mang đi chôn lấp, nhưng vẫn không xuể”.

Kể từ năm 2006, luật kiểm soát hàm lượng nitơ cao trong hồ Amatitlan đã được phê duyệt. Các đô thị xung quanh đã nhận được kinh phí để xây dựng các nhà máy xử lý nước. Tuy nhiên, số tiền đó đã được phân bổ cho các dự án khác, khiến việc khôi phục hồ bị trì hoãn.

Vào tháng 5 năm 2016, cũng tại Guatemala, 4 người thiệt mạng và 24 người mất tích sau khi núi rác thải ở Thủ đô Guatemala City của Guatemala sạt lở do mưa lớn. Trong số những người mất tích có 7 công nhân đang làm nhiệm vụ thu gom rác thải để tái chế. Chính quyền cho biết, bãi chứa rác này tiếp nhận khoảng 500 xe tải chở rác mỗi ngày và hàng trăm người vào nhặt rác.

Rác thải, nhất là rác thải nhựa đang là mối lo của nhiều quốc gia. Đầu tháng 7 mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức áp dụng quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Theo đó, tất cả các loại nắp chai hoặc hộp nhựa chứa đồ uống… được bán ở EU sẽ phải được gắn vào chai, hộp. Quy định này là một phần trong nỗ lực nhằm hạn chế sản xuất nhựa sử dụng một lần và đã được chuyển thành luật ở các quốc gia thành viên EU với thỏa thuận cấm bao bì nhựa sử dụng một lần trong toàn khối từ năm 2030.

Bảo Thư