Xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới: Nhận diện để phòng tránh
Thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo về một số phương thức thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi trên không gian mạng mà các đối tượng lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt tài sản.
Giả danh cán bộ ngân hàng hướng dẫn xác thực sinh trắc học
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà Nước, từ ngày 1/7/2024, người dân phải cập nhật sinh trắc học khuôn mặt khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng. Nhiều người dùng sẽ không tránh khỏi gặp khó khăn khi thực hiện các thao tác cập nhật phần mềm. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, liên hệ nạn nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... từ đó đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân quan trọng.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là khi liên hệ với người dân, các đối tượng yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng... Trong nhiều trường hợp, đối tượng lừa đảo còn dụ dỗ thực hiện cuộc gọi video, nhằm thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân. Sau khi đánh cắp dữ liệu, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng lừa đảo cũng dụ dỗ người dân tải về các phần mềm giả mạo có chứa mã độc thông qua đường dẫn được đính kèm trong các tin nhắn. Khi tải về phần mềm, đối tượng xấu sẽ dễ dàng theo dõi các thao tác nạn nhân thực hiện trên thiết bị, từ đó khai thác sâu hơn các thông tin quan trọng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt. Khi được liên hệ bởi các cá nhân tự xưng là cán bộ làm việc tại ngân hàng, cơ quan công an, người dân cần xác minh lại thông qua số điện thoại được cung cấp trên cổng thông tin chính thống của các đơn vị trên. Tuyệt đối không ấn vào những đường link lạ, không cài đặt phần mềm từ nguồn không xác định.
Quét mã QR code để nhận tiền
Công an TPHCM đã phát đi cảnh báo tới người dân về một hình thức lừa đảo mới, tinh vi để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ gửi mã QR code cho người dân để chiêu dụ nhận quà thưởng hoặc tiền mặt, nhưng thực chất thông qua mã QR code, chúng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân.
Theo cơ quan Công an, các đối tượng treo các thẻ nhựa có mệnh giá tiền 30.000, 50.000, 100.000 đồng trên xe gắn máy hoặc trước cửa nhà dân, khi người dân quét mã QR code, điện thoại sẽ bị xâm nhập, bị chiếm quyền điều khiển và các đối tượng lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới, người dân cần cảnh giác và báo cho nhiều người biết để phòng tránh.
Công an TPHCM cũng cho biết, thời gian qua tại các bệnh viện, cửa hàng, quán ăn, các đối tượng lừa đảo lợi dụng lưu lượng bệnh nhân, khách hàng đông đã trà trộn để dán mã QR code của các cá nhân đè lên mã QR code của bệnh viện, hàng quán. Do đó, khi bệnh nhân, khách hàng quét mã để thanh toán, nếu không kiểm tra kỹ tên đơn vị, cá nhân thụ hưởng sẽ bị chiếm đoạt tiền một cách dễ dàng.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài các ứng dụng từ các trang web, cổng thông tin bên ngoài mà chỉ nên cài trên kho ứng dụng CH Play, Apple Store. Đồng thời người dân không quét mã QR, không click vào đường link lạ hoặc cung cấp mật khẩu, thông tin cá nhân cho người lạ. Người dân cần bật chức năng Google Play Protect, điều này sẽ giúp quét và phát hiện các ứng dụng độc hại hiện có hoặc các ứng dụng mới đang có ý định cài đặt.
Đặt cọc tiền để đặt hàng
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lai Châu cảnh báo đến người dân, nhất là những người làm công việc kinh doanh buôn bán về hình thức lừa đảo mới.
Theo đó, các đối tượng sẽ gọi điện cho các cửa hàng bán sản phẩm liên quan đến nội thất, sản phẩm ăn uống… để yêu cầu tư vấn về các dịch vụ. Sau đó đối tượng sẽ đặt một số lượng hàng lớn và có giá trị cao, có thể cọc một số tiền lớn và đề nghị sau khi chốt đơn xong, nạn nhân sẽ chuyển thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mã QR để có thể chuyển tiền cọc vào. Đối tượng sẽ lấy lý do vì đang ở nước ngoài nên không thể chuyển khoản theo cách thông thường mà phải thanh toán trên website rồi gửi cho nạn nhân một tin nhắn trong đó có chứa đường link lạ và hướng dẫn nạn nhân đăng nhập thông tin tài khoản ngân hàng vào trong trang website để được nhận tiền cọc.
Khoảng 30 phút sau, đối tượng sẽ chủ động gọi điện lại cho nạn nhân hỏi về việc đã nhận được tiền cọc hay chưa, nếu chưa thì chúng đề nghị nạn nhân dùng một điện thoại khác để gọi điện và sẽ hướng dẫn từng thao tác trên trang website. Sau khi nạn nhân gọi điện để được hướng dẫn trực tiếp thao tác, khi đăng nhập các thông tin lên trên website đồng nghĩa với việc các đối tượng sẽ cài lệnh giao dịch đối với tài khoản đó. Việc gọi điện trực tiếp hướng dẫn cho nạn nhân là để lấy mã xác nhận giao dịch OTP của ngân hàng gửi về điện thoại của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi thực hiện cọc tiền cho các đơn hàng, hãy chắc chắn số tiền cọc đã được cộng vào tài khoản của mình bằng cách đăng nhập vào ứng dụng smartbanking trên điện thoại cá nhân để kiểm tra số dư. Tuyệt đối không đăng nhập các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trên bất kỳ ứng dụng, trang web lạ nào. Đặc biệt là không đăng nhập vào các đường link lạ do người khác gửi đến qua SMS hoặc qua các ứng dụng liên lạc khác.
Khi xuất hiện các tình huống giống phương thức ở trên, người dân cần bình tĩnh và không làm theo hướng dẫn của các đối tượng, đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và xử lý theo quy định của pháp luật.