Sức khỏe

Tay chân biến dạng vì tự điều trị gout

Dương Toàn 08/07/2024 19:43

Bệnh Gout là một bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống rất phổ biến ở nam giới trên 40 tuổi. Tuy nhiên, cũng bởi sự phổ biến này mà nhiều người chủ quan, dẫn tới hậu quả nặng nề.

anh-bai-duoi-trai.jpg
Bệnh nhân gặp biến chứng nặng do chủ quan với bệnh gout. Ảnh: BV đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, cơ sở y tế này tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng hạt tophi nặng nề. Nguyên nhân được xác định là do bệnh gout gây ra.

Cụ thể, ông N.V.N. (74 tuổi, trú tại Kiên Thành, Lục Ngạn) đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng sưng, đau, nóng, đỏ vùng bắp tay trái. Vết mổ cũ ở khuỷu tay trái chảy dịch, có mùi hôi kèm đau nhiều các khớp bàn, ngón tay và chân.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh gout hơn 10 năm, đã tháo khớp chân phải do nhiễm trùng hoại tử khớp gây ra. Nhiều năm qua, ông N. vẫn tự mua thuốc về uống mà ít đi thăm khám, điều trị bệnh.

Người bệnh cho biết, cách đây 1 tháng có đi trích rạch vùng vết thương cánh tay trái do vỡ hạt tophi gây ra. Ra viện được vài ngày, bệnh nhân thấy sưng đau nhiều ở các khớp bàn, ngón tay chân. Tình trạng đau mỗi ngày một tăng.

Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng (định lượng CRP trong máu bằng 298,3mg/l trong khi chỉ số của người bình thường < 5mg/l)="" kèm="" chức="" năng="" thận="" suy="" giảm.="">

Các bác sĩ đánh giá, đây là hậu quả của việc điều trị bệnh gout không đúng, dẫn đến các biến chứng suy thận, nhiễm trùng hạt tophi, thậm chí có nguy cơ nhiễm trùng huyết.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, ông N. thấy bớt đau, tình trạng sưng đỏ tại các khớp cũng được cải thiện, vết loét khuỷu tay khô dịch.

BS CKII Nguyễn Thị Tươi - Phó Trưởng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, trường hợp của ông N. là điển hình của biến chứng nặng nề do bệnh gout gây ra. Việc này khiến người bệnh chịu rất nhiều đau đớn và gặp khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt.

“Hầu hết người mắc bệnh gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh nên đi khám muộn. Bệnh gout không được điều trị sớm, đúng cách thì không chỉ gây tổn thương nặng nề ở khớp, làm giảm và mất chức năng vận động mà còn gây sỏi thận, suy thận…” - BS Tươi cảnh báo.

Bác sĩ khuyến cáo, ngay khi có các triệu chứng sưng đau khớp, đặc biệt là khớp bàn ngón 1 ở bàn chân, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Các bác sĩ lưu ý, khi được chẩn đoán mắc bệnh gout, người bị bệnh cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, tái khám kiểm tra định kì. Kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc. Thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ ăn uống. Hạn chế tối đa rượu bia, uống đủ nước 2 - 4 lít nước mỗi ngày. Ăn thịt không quá 150g mỗi ngày; ưu tiên các loại protein lấy từ thực vật, có thể sử dụng thêm sữa ít béo hoặc không béo; chế độ vận động thích hợp: 150 phút mỗi tuần, không ngừng quá 2 ngày liên tục.

Dương Toàn