Lọt 'tầm ngắm' Thanh tra Bộ Tài chính, nhóm Vicem đang kinh doanh ra sao?
Vicem cùng 3 công ty con bị thanh tra về vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp,... trong bối cảnh nhóm này đang kinh doanh khá ảm đạm.
Theo quyết định thanh tra số 179 vừa được Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường ký ban hành, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng và Vicem Hà Tiên.
Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.
Thời kỳ thanh tra là năm 2023 và những vấn đề có liên quan tới thời gian thanh tra.
Vicem cùng 3 công ty con bị thanh tra trong bối cảnh nhóm này đang kinh doanh khá ảm đạm.
Đầu tiên phải kể đến Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của Vicem ước đạt 13.198 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Nộp ngân sách nhà nước của tổng công ty đạt 547 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đại diện doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước giảm, một số dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước phải ngừng hoạt động vì thua lỗ.
Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, Vicem lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng, trong khi năm 2022 có lãi gần 642 tỷ đồng.
Năm 2023 cũng là một năm kinh doanh không hiệu quả của Vicem Hải Phòng. Theo đó, doanh thu ở mức 2.754 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 84% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, giảm mạnh lên đến 97,8% so với thực hiện năm trước.
Theo báo cáo mục tiêu tổng quát, kế hoạch kinh doanh năm 2024, Vicem Hải Phòng đặt chỉ tiêu tổng doanh thu ở mức gần 2.405 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế ở mức âm gần 79,2 tỷ đồng.
Vicem Tam Điệp cũng kinh doanh không mấy lạc quan khi đạt doanh thu năm 2023 gần 1.217 tỷ đồng (bằng 86% so với thực hiện năm 2022) và lỗ ròng 65,6 tỷ đồng. Trong năm này, Vicem Tam Điệp thực hiện nộp ngân sách 19,83 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch cả năm nhưng chỉ bằng 86% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn của Xi măng Tam Điệp là 1.254 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm tới 95% (tương ứng 1.192 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vicem Hà Tiên cho thấy, trong quý đầu năm 2024, doanh nghiệp này lỗ ròng gần 24,7 tỷ đồng, tuy vậy vẫn cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 85,64 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của Vicem Hà Tiên, các nguyên nhân chủ yếu tác động đến kết quả trong kỳ là do lợi nhuận gộp tăng (nhờ giảm giá vốn); chi phí tài chính giảm (chủ yếu do giảm lãi suất vay và giảm dư nợ vay).