Ngân hàng tìm giải pháp cải thiện nhu cầu gửi tiền và thanh toán
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý 2 có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý 1 và chưa đạt được như kỳ vọng của tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, có khoảng 70 - 75,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý 3 và cả năm 2024. Tính trong cả năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 11% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Tuy nhiên, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn trong quý 3 và trong năm 2024 so với năm 2023 khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực và phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý 3. Đánh giá tổng thể năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng nhẹ, nhưng tốc độ tăng mặt bằng rủi ro đã chậm lại nhiều so với năm 2023. Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhiều TCTD đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động, tuy nhiên tính chung cả năm 2024 vẫn dự kiến giảm nhẹ lãi suất huy động so với cuối năm ngoái, trong khi dự kiến giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Các TCTD cho biết đã điều chỉnh giảm lãi suất biên hơn so với phí dịch vụ. Giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ được các TCTD dự kiến giữ ổn định trong quý 3, cả năm 2024 và được dự báo tăng nhẹ trở lại trong năm 2025.
Tại Hội nghị ngành ngân hàng về đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 mới đây, theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn, trong đó có ABBank, SeABank, PVComBank, BaoVietBank... Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV cho biết, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật đến giữa tháng 6/2024 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Theo ông Lâm, quy luật chung của nền kinh tế là tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm nên chững lại ở những tháng đầu năm. Chính vì vậy, nửa đầu năm 2024, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất kém, số DN giải thể tăng, "sức khỏe" DN giảm sút dẫn đến cầu tín dụng giảm. Điều đó sẽ được khắc phục vào những tháng cuối năm.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.