Xã hội

Phấn đấu 100% các hộ dân miền núi, hải đảo được sử dụng điện lưới quốc gia

H.Vũ 09/07/2024 12:03

Đưa điện về vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, xóa đói, giảm nghèo là vấn đề bức thiết với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

anhbaitren.jpg
Đưa điện về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Quang Vinh.

Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% các hộ dân nông thôn, miền núi, hải đảo được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, tới nay cả nước còn 160.000 hộ chưa có điện, 715.000 hộ dân cần cải tạo đường điện trên địa bàn 3.000 xã, trong đó có một số xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho Chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, miền núi hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bà Đoàn Thị Lê An - Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo là chủ trương được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2081 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 và sau đó là Quyết định 1740 năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020.

Bà An khẳng định, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác nuôi trồng, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông, lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới.

“Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong các gia đình đã cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều địa bàn, nhiều thôn bản tại những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia” - bà An bày tỏ.

Chỉ tính riêng tỉnh Cao Bằng, một tỉnh miền núi biên giới với nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn, nhu cầu được cấp điện đối với người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa là hết sức bức thiết. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn 7.114 hộ dân chưa có điện, chiếm tỷ lệ 5,47% trên tổng số hộ dân. Trong đó, đặc biệt 2 huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm, số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tỷ lệ còn cao. Trong đó huyện Bảo Lạc còn 2.471 hộ, chiếm tỷ lệ 22,51% trên tổng số hộ. Huyện Bảo Lâm 3.540 hộ chiếm tỷ lệ 28,66% trên tổng số hộ.

Từ thực tế trên, bà An đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực, bố trí cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công vào các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kịp thời phân bổ vốn để hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành kèm theo Quyết định số 262 ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% các hộ dân nông thôn miền núi, hải đảo được sử dụng điện lưới quốc gia để từ đó người dân có cơ hội được thụ hưởng những tiện ích do điện mang lại, đem lại sự đổi mới, phát triển kinh tế, giảm bớt thiệt thòi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần hưởng thụ và tham gia xây dựng xã hội số theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

H.Vũ