Sức khỏe

Bất an với chứng nghiện game của trẻ

Đức Trân 09/07/2024 12:03

Vào dịp hè, phụ huynh vẫn phải bận rộn với công việc hàng ngày trong khi trẻ ở nhà nhiều hơn. Nếu thiếu sự giám sát của cha mẹ, trẻ có nguy cơ sa đà vào các trò chơi trên điện thoại, máy tính, tiềm ẩn nguy cơ để lại hậu quả nặng nề với trẻ.

anh-thay-anh-bai-tren.jpg
Bác sĩ tư vấn sức khỏe cho trẻ có biểu hiện nghiện game. Ảnh: BVCC.

Nhập viện vì nghiện game

Hơn một tháng con trai 13 tuổi nghỉ hè, vợ chồng chị Đ. N. T. (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chọn cách để trẻ tự chơi ở nhà một mình hàng ngày do công việc của cả 2 vợ chồng chị đều quá bận rộn. Thấy con thích chơi game, chị T. tự an ủi dù sao đây cũng là một cách để trẻ thư giãn, giải trí. Thế nhưng, chỉ đến khi phát hiện ra con thức đêm để chơi game, thậm chí mê chơi đến nỗi “mất ăn, mất ngủ” thì gia đình mới nhận ra phương pháp trông trẻ kiểu này lợi ít, hại nhiều.

“Trước đây chúng tôi vẫn đồng ý để cháu sử dụng điện thoại, chơi game như một cách thư giãn sau những buổi học căng thẳng. Thế nhưng, thời gian gần đây vợ chồng tôi phát hiện cháu ít nói hơn, tính tình hay cáu bẳn, cục cằn hơn trước nhiều. Quan tâm tới con nhiều hơn thì chúng tôi mới biết được cháu thường xuyên thức đêm để chơi game. Khi cấm không cho tiếp xúc với trò chơi điện tử nữa thì cháu phản ứng rất mạnh, kêu gào, khóc lóc. Lo lắng quá nên chúng tôi buộc phải đưa cháu tới cơ sở y tế để thăm khám” - chị T. chia sẻ.

Các bác sĩ cho biết trẻ có dấu hiệu nghiện game bao gồm: luôn thèm muốn được chơi game; chơi game liên tục không nghỉ; không kiểm soát được thời gian chơi game; bỏ bê học tập, các mối quan hệ; cảm xúc không ổn định, mất tập trung…

Đáng nói, trường hợp nói trên không phải là ít, thực tế cho thấy, mùa hè là thời điểm các ca bệnh là trẻ nhỏ thăm khám sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng.

BS Dương Minh Tâm - Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai thông tin: Các ca tới khám là trường hợp liên quan đến nghiện game, nghiện internet ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong mùa hè. Đây là thời gian rảnh rỗi nên các cháu chơi game nhiều, cũng là lúc lượng phụ huynh mang con đến khám tăng lên. Trẻ đến khám vì nguyên nhân này thường chơi game bất kể giờ giấc, các cháu có thể chơi game cả ngày và hệ lụy là gặp rất nhiều thể bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần.

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, bệnh nhân ở nhóm 10 - 24 tuổi chiếm 43% điều trị nội trú về nghiện Internet, nghiện game online.

Trong khi đó, thông tin từ khoa Tâm thần, BV 103 cũng cho biết, đa số bệnh nhân nghiện game buộc điều trị tại cơ sở y tế này đều có tuổi đời rất trẻ - nhiều nhất là 28 tuổi, ít nhất là 13 tuổi.

Tất cả bệnh nhân (cả nam, cả nữ) nhập viện đều có biểu hiện nghiện game, không kiểm soát được thời gian chơi game, mất mọi hứng thú và sở thích, mất ngủ, chán ăn, hay cáu gắt, thậm chí có người còn có ý định tự sát.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai chia sẻ: Không thể phủ nhận sự vui vẻ, hấp dẫn, sinh động của các trò chơi điện tử. Thế nhưng, việc chơi game quá mức dẫn tới nghiện thì sẽ để lại rất nhiều hậu quả, trong đó có các vấn đề trực tiếp liên quan tới sức khỏe như mệt mỏi, căng thẳng đầu óc, cận thị, bệnh về cột sống, béo phì do lười vận động, phản ứng chậm chạp,… Ngoài ra, trẻ còn thiếu chú tâm vào học tập, dễ trở nên lầm lỳ, ít nói, ít giao tiếp, có thể trầm cảm. Một số trường hợp nghiện nặng khiến đầu óc trở nên không thực tế, thậm chí trở nên thay đổi tính cách, có hành vi không phù hợp như nói dối, ăn trộm, đánh nhau…

Quan tâm tới trẻ nhiều hơn

Theo các chuyên gia, nghiện game không khó để phòng tránh, tuy nhiên khi trẻ đã nghiện thì rất khó để giáo dục tâm lý và hành vi. Vì vậy, phụ huynh nên có những can thiệp kịp thời cũng như chủ động phòng ngừa việc trẻ nghiện game.

Để phát hiện sớm trẻ nghiện game, cần lưu ý đến thời gian trẻ sử dụng Internet. Thời gian sử dụng không quá 2 tiếng/ngày nghỉ và 1 tiếng/ngày bình thường, không tính thời gian dùng vào việc học tập.

Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu được những tác hại của nghiện game, hỗ trợ trẻ điều chỉnh hành vi ngay từ khi có dấu hiệu nghiện chơi game. Tuy nhiên, phụ huynh không nên cấm cản trẻ, bởi vì càng cấm trẻ lại càng muốn khám phá nhiều hơn, khao khát được chơi game hơn. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian cho trẻ để có thể kiểm soát thời gian chơi game, hiểu hơn về tâm lý và mong muốn của trẻ.

Song song đó, các gia đình cần tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ bằng cách tham gia các trò chơi vận động ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi. Từ đó, các gia đình hạn chế thời gian chơi game và giúp trẻ quên dần cảm giác thích thú với game.

Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công... Các hoạt động này giúp trẻ phát triển năng khiếu của bản thân và có khoảng thời gian giải trí, vui chơi lành mạnh thay vì chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến. Đặc biệt, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường, phụ huynh cần đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

Để điều trị bệnh nghiện game, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ tương thích, có thể điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp giữa thuốc và các liệu pháp tâm lý, cân nhắc giữa việc chọn dừng hay chỉ hạn chế chơi game sau can thiệp cho người bệnh.

Nghiện game là bệnh thuộc nhóm đối tượng bị rối loạn. Do đó, người nghiện game cần được sự quan tâm, cũng như hỗ trợ của người thân và gia đình để có thể thoát khỏi tình trạng này.
Gia đình có con nhỏ bị nghiện game online không nên quát tháo hay nặng lời, đánh mắng trẻ. Thay vào đó, sự quan tâm đúng mực, đúng cách sẽ giúp trẻ nhiều hơn.

Đức Trân