Cứu bé trai 18 tháng bị thủng ruột vì bi nam châm
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) tích cực cứu chữa cho bé trai 18 tháng tuổi bị thủng ruột vì bi nam châm.
Theo đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé trai (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, rối loạn điện giải do nôn ói nhiều và được hồi sức, bù dịch điện giải. Sau khi chụp Xquang bụng, phát hiện ra có chuỗi 10 hạt kim loại, nghi là dị vật nam châm. Khoa cấp cứu lập tức hội chẩn ê kíp trực cấp cứu Ngoại khẩn.
Với biểu hiện lâm sàng và hình ảnh trên phim chụp Xquang, ê kíp trực Ngoại nghi ngờ bé có tình trạng tắc ruột do dị vật và khẩn trương mổ cấp cứu ngay.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi, dị vật lấy ra là chuỗi 10 cục nam châm nhiều màu kích thước mỗi cục khoảng 4-5mm, nam châm hít làm dính 2 đoạn ruột non vào với nhau lâu. Hệ quả, gây thiếu máu và thủng bít dẫn đến biểu hiện tình trạng tắc ruột.
TS.BS Vũ Trường Nhân - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp đồng thời là trưởng ê kip trực chia sẻ: “Sau khi lấy dị vật qua phẫu thuật nội soi, 2 đoạn ruột bị hoại tử thủng được cắt và khâu nối lại qua phẫu thuật nội soi. Vì tình trạng hoại tử thủng ruột diễn ra kéo dài nên ruột non dính với nhau rất nhiều gây khó khăn cho ê kíp phẫu thuật trong quá tình xử trí tổn thương”.
Theo BS Vũ Trường Nhân, với lợi thế của việc sử dụng phẫu thuật nội soi, bệnh nhi chỉ có một vết mổ nhỏ, tình trạng đau sau mổ cũng ít hơn đáng kể so với cách phẫu thuật trước đây. Hiện tại sau mổ bé đã ổn định không còn tình trạng tắc ruột như trước khi mổ.
Trước khi mổ, bệnh nhi bị đau bụng âm ỉ kéo dài kèm nôn ói một tháng nay. Người nhà cho bé đi khám ở địa phương nhiều lần và được cho thuốc rối loạn tiêu hóa nhưng không đỡ. Sau vài ngày nôn ói nhiều lần ra dịch xanh, đau bụng nhiều hơn bé trai được đên đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Nuốt dị vật tiêu hóa là một tai nạn sinh hoạt khá thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - chia sẻ thêm: “Hàng năm, tại bệnh viện Nhi đồng 2 luôn tiếp nhận khá nhiều các trường hợp nuốt dị vật đường tiêu hóa. Dị vật có thể là bông tai, đồ chơi nhựa, pin hoặc các vật sắc nhọn như đinh, ốc vít… Độ tuổi thường gặp là khoảng từ 1 - 6 tuổi, đây là độ tuổi các bé thường hay hiếu động, tò mò tìm hiểu mọi thứ xung quanh.
Hầu hết các trường hợp có thể được theo dõi và các bé có thể tự đại tiện ra ngoài mà không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, dị vật nam châm là một trường hợp đặc biệt vì khi nhiều viên nam châm được nuốt xuống ruột non sẽ hít lại với nhau, làm dính các quai ruột kế cận nhau lâu dần gây thiếu máu hoại tử và thủng ruột.
Liên quan các dị vật nam châm, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 5 - 10 trường hợp, đa phần gây biến chứng thủng ruột, cần được phẫu thuật.
“Qua những trường hợp này, chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh, đặc biệt là những ba mẹ có con nhỏ cần để ý đến những vật dụng, đồ chơi tưởng chừng là vô hại xung quanh con em mình, nếu không cẩn thận có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc”, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo.