Không chủ quan với bệnh bạch hầu
Bạch hầu được liệt vào danh sách những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do mức độ lây lan và biến chứng nặng nề. Bạch hầu có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng...
Phòng tránh lây lan chồng chéo
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, bệnh nhân tử vong do bạch hầu trên địa bàn là P.T.C. (18 tuổi), trú bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, hiện đang là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện này, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Bệnh nhân C. chưa từng tiêm phòng vaccine có thành phần bạch hầu. Tiến hành điều tra dịch tễ và lịch sử tiếp xúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Bên cạnh đó, cần rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tiêm phòng vaccine bạch hầu cho trẻ
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bạch hầu tùy thuộc vào biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, và mức độ lan tràn độc tố trong máu. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có suy hô hấp và tuần hoàn, tỷ lệ mạch - nhiệt độ gia tăng không tương ứng, khẩu cái có thể bị liệt, làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, hôn mê và có thể tử vong trong vòng 7- 10 ngày, một số trường hợp hồi phục chậm, có biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Đặc biệt, biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% - 25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% - 60%.
“Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thông thường tiên lượng là xấu” - BS Lâm cho biết thêm.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đối với tình hình gây bệnh tại Nghệ An và Bắc Giang, hiện nay những trường hợp tiếp xúc gần (F1) với 2 ca bệnh dương tính với bạch hầu đều đã được xác định, cách ly và theo dõi sức khỏe. Đồng thời đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu. Do vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Ông Phu cũng cho rằng người dân không nên hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh. Để phòng bệnh, việc quan trọng nhất là người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch bởi mặc dù bất cứ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Đồng thời thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh, đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng, chống bệnh bạch hầu; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; khi ho, hắt hơi cần che miệng, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, sạch sẽ, lớp học thông thoáng và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Đăng tin sai về bệnh bạch hầu trên Facebook, bị phạt 5 triệu đồng
Ngày 9/7, tin từ Công an tỉnh Bắc Giang cho biết Công an huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) vừa ra quyết định xử phạt bà V.T.T. (SN 1985, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa) 5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật. Trước đó, ngày 8/7, tài khoản mạng xã hội có tên Thanh Văn đăng tải nội dung: "Ngay lúc này tại Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa. Người dân xếp hàng dài chờ xét nghiệm bạch hầu. Liên quan đến cái chết của nam thanh niên tiếp xúc với cô gái F0 người dân tộc tại quán hát. Các cô gái này đã di chuyển nhiều quán hát trên địa bàn huyện Hiệp Hòa và sang Sóc Sơn (Hà Nội). Hết Covid giờ lại bạch hầu biến chứng nhanh hơn Covid rất nhiều vì vậy ace cô bác mình nhớ đeo khẩu trang và…".
Tại cơ quan công an, đối tượng thừa nhận hành vi sai phạm vì cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, hành vi của bản thân đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Nhận thức được hành vi của mình, chị T. đã tự giác gỡ bài đăng sai sự thật và đăng bài đính chính xin lỗi cộng đồng mạng xã hội.
S.Tuyến