Tư vấn pháp lý cho người lao động
Người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn sẽ được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng khi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, Công đoàn còn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí để quyền lợi người lao động được đảm bảo một cách tốt nhất.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động thông qua việc mở Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn.
Tiêu biểu như tại tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm qua, công tác tư vấn pháp luật tại Đồng Nai được thực hiện đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức khác nhau, cán bộ Công đoàn tham gia bảo vệ hoặc được cử đại diện tham gia tố tụng cho 590 người lao động, kết quả người lao động đã được lãnh số tiền hơn 9 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn của tỉnh Đồng Nai đã tư vấn hỗ trợ pháp lý cho 221 công nhân lao động về các vấn đề liên quan đến lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong đó, tư vấn trực tiếp tại trung tâm là 24 lượt công nhân và tư vấn qua điện thoại là 183 cuộc với các nội dung tư vấn về tiền lương, hợp đồng lao động, chế độ BHXH, tai nạn lao động. Ngoài ra, tại phiên chợ công nhân vừa diễn ra ở khu công nghiệp Sông Trầu, huyện Trảng Bom và khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn trực tiếp cho 60 đoàn viên và người lao động về chính sách pháp luật, việc làm miễn phí và cấp phát 300 tờ gấp về pháp luật lao động.
Bà Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác tư vấn pháp luật luôn được chú trọng triển khai, Công đoàn ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Tư vấn pháp luật và chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện. Trong 5 năm qua, các cấp Công đoàn đã tổ chức tư vấn pháp luật cho trên 300 nghìn lượt cán bộ, nhà giáo, người lao động dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn trực tuyến, qua email, điện thoại, qua các cuộc thi, hội thi, hội nghị, tọa đàm… Nội dung tư vấn tập trung về chế độ nâng lương, chuyển ngạch; chế độ làm việc; thêm giờ, phụ cấp, nghỉ phép; hưu trí, thai sản; phụ cấp thâm niên nhà giáo… Công đoàn các trường ngoài công lập, doanh nghiệp tham mưu, đề xuất, tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động và giám sát thực hiện.
“Trong 5 năm, các cấp Công đoàn của ngành đã tổ chức được gần 92 nghìn cuộc kiểm tra, giám sát, qua đó nhiều hạn chế, bất cập được xử lý kịp thời; nhiều kiến nghị chính sách, pháp luật được các cấp công đoàn đề xuất đã được tiếp thu, sửa đổi, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cán bộ, nhà giáo, người lao động, góp phần tạo môi trường làm việc an toàn, văn hóa, văn minh, tiến bộ trong các đơn vị, trường học...” - bà Hoàng Anh chia sẻ.
Còn tại TP Hà Nội, với đặc thù là trung tâm kinh tế của cả nước, nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất và đông công nhân lao động, LĐLĐ các quận, huyện đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Bà Lê Thị Kim Huệ - Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa cho biết, qua hơn một năm thành lập, Tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ quận đã tổ chức tư vấn cho người lao động tại trụ sở cơ quan 315 lượt với 412 người; tư vấn lưu động dưới cơ sở 106 buổi cho 3.894 người. Đây là một trong những kết quả của công tác tuyên truyền vận động, giáo dục công nhân, viên chức lao động của LĐLĐ quận Đống Đa. Với nhiều hình thức phong phú, các cấp Công đoàn quận Đống Đa đã tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Các hoạt động tuyên truyền được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận, thành phố, địa phương và cơ sở.
Đánh giá hiệu quả hoạt động tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động, theo ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong bối cảnh thực thi Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương cùng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang ký kết thực hiện, dự báo tương lai gần sẽ xuất hiện tổ chức đại diện người lao động khác, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Điều này đòi hỏi Công đoàn các cấp phải đổi mới, hướng vào việc thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Vì vậy, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn đã hoạt động hiệu quả, góp phần giúp Ban Chấp hành Công đoàn các cấp triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật đến tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Từ đó, đáp ứng những nhu cầu của đoàn viên, người lao động về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu như kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản..., tiếp cận các tổ chức tín dụng, các hoạt động xã hội, từ thiện, tiếp nhận các hoạt động tình nguyện.