Điều chỉnh quy định thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên
Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần trước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất quy định học sinh, sinh viên (HSSV) từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian, nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong năm học và không quá 48 giờ mỗi tuần trong kỳ nghỉ. Tuy nhiên, sau khi nhận được nhiều góp ý của các bộ, ngành, đơn vị, cơ quan soạn thảo đã có sự điều chỉnh. Theo đó, HSSV đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động được làm việc bán thời gian, nhưng không quá 24 giờ trong 1 tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, cơ quan soạn thảo cũng bỏ quy định về “không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ”, so với dự thảo trước đó.
Tương tự, về tiền công làm thêm giờ cũng có sự điều chỉnh. Dự thảo lần trước quy định tiền công của HSSV được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động, và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Trong dự thảo mới nhất, đã bổ sung quy định tiền lương của HSSV được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được mức thấp hơn lương tối thiểu theo giờ. Các quy định khác liên quan cũng đều có những điều chỉnh nhất định. Cụ thể, người lao động là HSSV khi làm việc bán thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là HSSV tuân theo quy định pháp luật về lao động. Cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là HSSV trong quá trình làm việc sau khi người lao động là HSSV đã thông báo về tình trạng việc làm.
Lý giải về những thay đổi trên, Bộ LĐTBXH cho biết việc quy định giới hạn làm thêm trong tuần để đảm bảo linh hoạt thời gian làm việc của HSSV.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần xem xét và điều chỉnh lại bởi nếu quy định như trong dự thảo thì lực lượng lao động là HSSV đủ tuổi lao động sẽ bị khống chế thời gian làm việc; chưa phù hợp với Bộ luật Lao động. Mặt khác, với trường hợp HSSV xa nhà thuộc gia đình có thu nhập thấp, bị hạn chế thời gian làm việc sẽ làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.
Còn theo ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc HSSV đủ tuổi lao động, đi làm thêm là việc nên khuyến khích, giúp các bạn trẻ có thể bù đắp một phần chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống, thêm kinh nghiệm sống, trau dồi kỹ năng…