Niềm vui từ cánh đồng lúa chất lượng cao đầu tiên
1 trong 5 mô hình thí điểm của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta mới đây đã được thu hoạch sau khoảng 3 tháng chờ đợi. Ngay trong ngày thu hoạch lúa từ mô hình thí điểm này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có mặt để ghi nhận những kết quả ban đầu mà mô hình thí điểm của Đề án mang lại.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Giảm phân, thuốc, lợi nhuận tăng
Trước khi thực hiện nhân rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) thực hiện thí điểm tại 5 địa phương, bao gồm các tỉnh: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trong đó, Cần Thơ là địa phương thực hiện đầu tiên ở vụ Hè Thu năm nay với diện tích 50ha tại Hợp tác xã (HTX) Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh), lúa được xuống giống ngày 5/4/2024.
Sau khoảng 3 tháng thực hiện mô hình thí điểm Đề án, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có mặt tại vụ thu hoạch đầu tiên trên cánh đồng lúa chất lượng cao tại Cần Thơ. Đứng quan sát những máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch 50ha lúa thí điểm theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Tiến Thuận nở nụ cười tươi sau 3 tháng chờ đợi. Ông Khải cho biết, cách đây 3 tháng khi kêu gọi các thành viên trong HTX tham gia vào mô hình thí điểm, ông vấp phải không ít khó khăn khi phải thuyết phục người dân tham gia. “Khó nhất là khi tham gia đề án, chúng tôi phải thực hiện sạ hàng bằng máy kết hợp bón vùi phân, lúc này, chỉ sử dụng 60kg lúa giống/ha. Trong khi làm theo truyền thống, nông dân sạ khoảng 120 đến 150kg lúa giống/ha. Nhiều nông dân e ngại việc giảm lúa giống qúa nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đến cận ngày thực hiện, tôi còn lo không đủ số hộ tham gia đủ 50ha. Ngày xuống giống, tâm trạng rất hồi hộp…” - ông Khải chia sẻ.
Theo Giám đốc HTX Tiến Thuận, sạ hàng bằng máy kết hợp bón vùi phân sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí lúa giống. Bên cạnh đó, từ việc giảm lượng giống sẽ kéo theo giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn tiếp theo, từ đó, giá thành sản xuất giảm, lợi nhuận tăng.
“Sạ thưa, hàng thông thoáng, ít sâu bệnh dẫn đến giảm lượng thuốc hoá học. Kết hợp vùi phân khi sạ sẽ giảm được thất thoát phân bón, cây lúa phát triển tốt trong khi số lần và số lượng bón phân trong vụ giảm nên rất tiết kiệm chi phí. Tôi thấy, lúa trồng theo mô hình cho năng suất tương đương với bên ngoài mô hình. Năng suất mà ngang nhau thì mô hình này chúng tôi thực hiện đã thắng lợi. Vì quá trình trồng giảm nhiều chi phí, giảm giống, giảm phâm, giảm cả thuốc bảo vệ thực vật so với cách làm trước nhiều lần. Do đó, năng suất có thể không cao hơn nhưng lợi nhuận chúng tôi có được là cao hơn rất rõ ràng” - ông Khải khẳng định.
TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế(IRRI) cho biết, qua theo dõi, nông dân thực hiện theo mô hình thí điểm giảm 50% lượng giống (tương đương giảm được khoảng 1,2 triệu đồng/ha tiền giống); giảm 30% lượng phân bón/ha (tương đương giảm được khoảng 0,7 triệu/ha). Chi phí đầu vào nên lợi nhuận nông dân tăng 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha.
Cũng theo ông Hùng, nhờ giảm giống kết hợp sạ hàng có vùi phân nên bộ rễ của cây lúa phát triển hơn, cây cứng cáp, khỏe hơn, ít bị sâu bệnh, sức chịu đựng tốt hơn. Từ đó, nông dân giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. "Từ thực tế đo đếm mực nước, canh tác lúa chất lượng cao, áp dụng quản lý nước và quản lý rơm rạ giúp giảm phát thải từ 2 - 6 tấn CO2/ha" - ông Hùng cho biết.
Hướng đến mục tiêu 1 triệu ha
Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ (Sở NNPTNT Cần Thơ) cho biết, cho tới thời điểm này, có thể nhận định, mô hình thí điểm tại HTX Tiến Thuận đạt hiệu quả rõ rệt. “Hiện nông dân thực hiện mô hình hết sức vui mừng. Sau vụ Hè Thu, mô hình này sẽ được triển khai thí điểm thêm 2 vụ nữa để minh chứng đủ 3 vụ cho lúa trong một năm là vụ Thu Đông và vụ Đông Xuân. Còn về lâu dàì, thực hiện theo Đề án của Chính Phủ, TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch và theo đó, lộ trình từ nay đến năm 2030, TP Cần Thơ sẽ triển khai Đề án trên diện tích 48.000ha, phân bố ở 3 huyện là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai” - bà Hiếu thông tin.
Chia sẻ về kết quả của việc thí điểm mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, kết quả từ mô hình chính là nền tảng để ngành nông nghiệp Cần Thơ nhận rộng đến các vùng tham gia đề án 1 triệu ha lúa mà TP Cần Thơ đã cam kết với Bộ NNPTNT.
Ông Cao Đức Phát - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế IRRI (nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT) nhận định, mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được thực hiện với 2 mục tiêu. Đó là, thông qua việc áp dụng các quy trình, kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị và như vậy sẽ tăng thu nhập cho người dân. Thứ hai là thông qua quy trình canh tác giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giống gieo sạ và phân bón sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Ông Phát nhấn mạnh, qua thí điểm mô hình cho thấy, Việt Nam đang trên con đường thực hiện được hai mục tiêu trên và tiếp tục lan tỏa mô hình này tại các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và cả Việt Nam. Đồng thời, mô hình này đang đáp ứng được sự mong đợi của người trồng lúa có được thu nhập cao hơn, giảm thiểu những nguy cơ về ô nhiễm môi trường và đóng góp chung vào mục tiêu của thế giới về chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), bên cạnh những yếu tố tiêu chí của đề án, một yếu tố quan trọng khác là sự liên kết rất chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đầu vào, vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua gạo cho nông dân; liên kết chân thực hơn và có trách nhiệm hơn, thực hiện đúng cam kết của các bên.
“Sự thành công ban đầu của mô hình có thể lan toả cho địa bàn TP Cần Thơ và những địa phương khác. Những yếu tố kỹ thuật, những yếu tố liên kết người nông dân đã làm được thì trách nhiệm còn lại là làm sao nâng cao được giá trị của lúa phát thải thấp, giúp nông dân bán lúa với giá cao hơn. Lúc đó, việc chúng ta triển khai nhân rộng mô hình này là hoàn toàn khả thi. Điều chúng tôi lo lắng hiện nay là việc xây dựng và củng cố các HTX cho đồng bộ với tốc độ của Đề án. Thứ 2, chúng tôi cần thêm các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ hơn trên từng cánh đồng hàng chục, hàng trăm cho tới hàng nghìn héc ta. Như vậy chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn, chặt chẽ hơn, bền vững hơn” - ông Tùng nói.
Cánh đồng lúa giảm phát thải được ứng dụng 3 công nghệ gieo sạ là áp dụng máy sạ hàng, kết hợp vùi phân bình thường và máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân. Giải pháp này giúp bà con nông dân giảm 20% lượng phân bón. Ngoài ra còn giúp giảm được lượng nước tưới, rủi ro dịch bệnh, đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch. Một số biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến đi kèm là quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên vùng chuyên biệt; giải pháp IPM quản lý dịch hại; ứng dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch… Đặc biệt là kỹ thuật thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng để trồng nấm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa. Đại diện IRRI đánh giá, cánh đồng giảm phát thải này đã đảm bảo các tiêu chí đề ra trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, các mô hình thí điểm bộc lộ rõ tăng chất lượng, hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính.