TPHCM chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu
Thông tin trên được ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội thành phố, chiều 11/7.
Tại đây, ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định: “Những ngày gần đây, trên mạng xã hội có nhiều thông tin cho rằng thành phố có ca mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, HCDC đã rà soát nhưng không thấy có ca bệnh".
"Một lần nữa tôi khẳng định, TPHCM chưa phát hiện ca bệnh bạch hầu. Thành phố ghi nhận ca bệnh bạch hầu gần đây nhất chính là năm 2020”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.
Theo ông Tâm, hiện nay người dân hoang mang hơi quá với bệnh bạch hầu. Bệnh này phòng ngừa và điều trị được chứ không phải quá lo lắng. Về phòng ngừa, kể cả trẻ em và người lớn đều có thể tiêm vaccine phòng ngừa bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, người lớn không được miễn phí tiêm vaccine bạch hầu như trẻ em.
“Có thể tiêm vaccine 3 trong 1 hoặc vaccine 5 trong 1 để phòng bệnh bạch hầu. Đối với trẻ em tiêm 3 mũi tùy vào từng lứa tuổi, đồng thời có thể tiêm nhắc lại cứ sau 10 năm”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Theo HCDC, đối với người lớn và trẻ lớn chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm nhắc nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.
Ngoài việc phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng vaccine, HCDC khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh trong ăn uống hàng ngày, nhà cửa, lớp học sạch sẽ - thông thoáng,...
Thông tin về việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu, đại diện Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.
Việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Hiện nay, vaccine có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều, để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi.
Đối với bệnh bạch hầu, Việt Nam đã ghi nhận có ca tử vong nên Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch. Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị, ngành y tế Bắc Giang, Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kịp thời kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần.
Được biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra và từng có thời điểm là nỗi ám ảnh đối với thế giới bởi những nguy hiểm tiềm ẩn với sức khỏe con người.