Những người 'thắp lửa' bên dãy Trường Sơn: Bài 5. Chăm lo cho người nghèo quyết liệt mà sâu nặng
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, có một tinh thần hướng đến người nghèo, chăm lo người nghèo rất quyết liệt mà sâu nặng, từ chủ trương cho đến cách làm của đội ngũ cán bộ Mặt trận bên dãy Trường Sơn từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên- Huế. Nếu không xác định công việc hàng ngày của mình là cống hiến và hy sinh vì cộng đồng thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Thưa Phó Chủ tịch, là người gắn bó với các cuộc vận động, phong trào do MTTQ Việt Nam phát động nhiều năm qua, bà đánh giá như thế nào về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận tại những vùng khó như miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên- Huế trong công cuộc giảm nghèo?
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh:- Trước hết phải thấy rằng, ở những vùng khó như miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số việc vận động người dân thoát nghèo là một công việc hết sức vất vả và kiên trì. Bởi đó không chỉ là việc giúp hộ nghèo lúc khó khăn mà là việc phải làm thế nào để người dân thay đổi nếp nghĩ, không trông chờ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ mà có ý thức vươn lên thoát nghèo. Thay đổi nếp nghĩ cũng đồng thời thay đổi cách làm, không phải là câu chuyện nói rồi làm ngay được. Cán bộ Mặt trận đã phải lăn lộn với địa bàn, gõ cửa từng nhà, gặp từng người, giúp bà con vượt thoát cung cách làm ăn cũ mà thay vào đó là cách làm ăn mới, từ lúc bản làng vốn tự cung tự cấp thì nay cũng đã hướng tới sản xuất hàng hóa, để từ đó những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày một nhiều, con em được đến trường không còn phải lo thiếu ăn thiếu mặc.
Tôi cho rằng, vận động người dân tự lực vươn lên thoát nghèo là một trong những vận động khó nhất của cán bộ Mặt trận cơ sở. Đó là công việc mưa dầm thấm lâu từ năm này sang năm khác, không sờn lòng, không nản chí gây dựng niềm tin cho nhân dân. Mà muốn vậy, người cán bộ Mặt trận cơ sở phải gương mẫu đi đầu, phải trở thành tấm gương thì cộng đồng mới tin cậy, noi theo. Chỉ một việc đơn giản như ông Hồ Xuân Nam, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, khi chính quyền địa phương đầu tư cho một máy cày để thay thế sức trâu bò, ngày đầu tiên máy cày xuống ruộng, từ người già cho đến trẻ nhỏ trong bản ai cũng ra đứng nhìn mà không biết đó là cái gì, nếu ông Trưởng ban Công tác Mặt trận Hồ Xuân Nam không leo lên máy, điều khiển bắt “nó” làm việc theo ý của mình thì dân bản làm sao biết để làm theo được. Có máy cày thay thế sức trâu, việc đồng áng dễ dàng, nhanh chóng hơn, sản xuất lúa của bà con dân bản từ 1 vụ nay đã tăng lên 2 vụ, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Rồi có những người như ông Đinh Ngọc Dung, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã vượt đèo lội suối cùng ăn, cùng ở với đồng bào để tuyên truyền, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo. Ông Dung phải “cầm tay chỉ việc” để đồng bào triển khai mô hình trồng dổi, kiên trì hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm bón kỹ càng… Sau gần 4 năm triển khai, đến nay trên diện tích 10ha, những cây dổi của 30 hộ đồng bào người Rục ở bản Phú Minh đã phát triển xanh tốt - hứa hẹn là cây thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Cán bộ cơ sở như ông Nam, ông Dung ở bên dãy Trường Sơn chính là những người gần dân nhất, ngày đêm lặn lội với phong trào, gác việc riêng để lo việc cho dân. Họ chính là những người không mệt mỏi gắn kết cộng đồng, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ngay từ thôn bản, làng xóm.
MTTQ Việt Nam đã khởi xướng, chủ trì phối hợp nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào rộng lớn và lâu dài mang tính toàn dân, toàn quốc, trong đó nổi bật là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Vì người nghèo đã trở thành một trong những công tác quan trọng của Mặt trận và là sứ mệnh của người Mặt trận, thưa bà?
-Để góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ năm 2000, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động, kêu gọi và vận động toàn xã hội quan tâm chăm lo, giúp đỡ người nghèo, địa phương nghèo thông qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên phạm vi toàn quốc và lấy ngày 17/10 hàng năm là ngày “Cả nước vì người nghèo”, đồng thời triển khai Tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17/10 đến 18/11. Ngoài việc triển khai các hoạt động nhân Tháng cao điểm "Vì người nghèo" còn có Chương trình "Nối vòng tay lớn" diễn ra vào ngày 31/12 hằng năm, là dịp toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho người nghèo. Có thể nói, đây là một trong những cuộc vận động lớn trong thời kỳ đổi mới công tác Mặt trận, có đóng góp to lớn và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước nói chung và có tác dụng rõ rệt vào việc nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Kể từ năm 2017, Chương trình “Nối vòng tay lớn” được tiếp nối bằng Chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào ngày 17/10 hằng năm - mở đầu cho Tháng cao điểm Vì người nghèo. Đây cũng là một cách để Mặt trận tạo thêm sự lan tỏa trong xã hội, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Hơn 20 năm qua, cuộc vận động mang đậm tính nhân văn sâu sắc này đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tích cực hưởng ứng và đạt kết quả. Qua đó góp phần thiết thực chăm lo cho người nghèo, đóng góp vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Từ khi phát động đến nay, Quỹ "Vì người nghèo" từ cấp địa phương đến trung ương đã thu được hàng nghìn tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa hàng trăm nghìn nhà đại đoàn kết…Kết quả trên đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người nghèo và tiếp tục khẳng định tính xã hội nhân văn sâu sắc của cuộc vận động, làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc; đồng thời, góp phần khẳng định sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể và toàn xã hội đối với người nghèo trong cả nước.
Đối với người làm công tác Mặt trận, việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là một hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững. Hơn 20 năm qua, hành trình vì người nghèo đã theo bước chân của người Mặt trận đến những bản làng xa xôi, vùng nghèo khó, vùng bị thiên tai để san sẻ với người nghèo, người khó khăn, yếu thế, giúp họ thắp lên những hy vọng.
Nhưng điều đáng nói hơn cả, tinh thần “Cả nước vì người nghèo” đã bước ra từ cuộc vận động của Mặt trận để lan toả, khơi dậy tình yêu thương, sự sẻ chia cộng đồng, tạo nên những phong trào vì người nghèo ở trong lòng nhân dân. Và chính đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận, vì người nghèo không chỉ dừng lại là trách nhiệm để kêu gọi vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” mà còn là sứ mệnh với tất cả những sâu nặng lo toan, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với người nghèo trong cuộc sống hàng ngày. Tinh thần vì người nghèo còn là động lực để đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở tham gia đầy trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Từ việc tạo mọi điều kiện để người nghèo vươn lên, từ việc gặp khó ở đâu, thiếu cái gì thì gỡ cái đó, đến việc làm thế nào để người dân dần thoát nghèo bền vững cũng đều được đội ngũ cán bộ cơ sở chỉ dẫn, dõi theo... Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng có một tinh thần hướng đến người nghèo, chăm lo người nghèo rất quyết liệt mà sâu nặng từ chủ trương cho đến cách làm của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở, đặc biệt là những vùng khó như bên dãy Trường Sơn từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên- Huế. Niềm vui đã đến với người nghèo. Điều này tiếp tục khẳng định tính xã hội nhân văn sâu sắc từ một cuộc vận động. Và đó cũng là kết quả to lớn nhất mà cuộc vận động đã làm được.
Với nhiều nỗ lực, các chương trình giảm nghèo, các phong trào, hoạt động vì người nghèo đã và đang được triển khai ngày càng thực chất hơn để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn và vì thế việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn hơn. Để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm này, trong giai đoạn tới, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục hành trình vì người nghèo như thế nào, thưa bà?
- “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một chủ trương nhân văn, đã và đang được thực thi bằng những chương trình hành động cụ thể, bằng sự chăm lo tận tâm của Đảng, Nhà nước dành cho dân. Việt Nam hiện là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Do đó, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đặt ra mức giảm cao hơn, từ 1,0 đến 1,5%/năm…
Để góp phần thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với phương châm: nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật và nhân dân được hưởng lợi thật.
Mặt trận các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền, phát huy những kết quả đã đạt được, biến mục tiêu của cuộc vận động vì người nghèo thành mục tiêu và quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tiếp tục huy động nguồn lực trên địa bàn, giúp người nghèo xoá nhà tạm, nhà dột nát, thay đổi nếp nghĩ cách làm. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Sau thành công của “chiến dịch” xây 5000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Mặt trận tổ quốc Việt Nam triển khai hai nội dung mới, đó là phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động và Chương trình Xây dựng khu dân cư "Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.
Những nội dung này đang được cụ thể hoá trong Chương trình hành động nhiệm kỳ 2024-2029 của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp để hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận từ trung ương tới địa phương một tâm thế mới để đổi mới cách nghĩ, cách làm, đáp ứng nhiệm vụ, nâng cao kết quả và chất lượng công việc trong nhiệm kỳ mới.
Nhiệm vụ mới đi liền với trách nhiệm. Vậy đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải làm gì để hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh của mình, thưa bà?
- Nhìn lại thời gian qua, tự hào về thành tích chung của Mặt trận, chúng ta trân trọng những đóng góp thầm lặng của hơn 100 nghìn cán bộ Mặt trận cơ sở và Ban Công tác Mặt trận, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số- những người tuy đời sống còn không ít khó khăn nhưng ngày đêm lăn lộn với phong trào, hết lòng tận tụy với nhân dân, ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã.
Công việc của cán bộ Mặt trận cơ sở hầu hết là những việc không tên, phát sinh từ cuộc sống hàng ngày. Những người cán bộ Mặt trận cấp xã, phường và các Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư nếu không xác định công việc hàng ngày của mình là cống hiến và hy sinh vì cộng đồng, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa càng ở những vùng khó như miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở một ý chí bền bỉ trong vận động, mạnh mẽ trong làm gương, đi đầu. Họ chính là những người giữ lửa cho bản làng, thắp lên ánh sáng của niềm tin và hy vọng.
Thời gian qua, Mặt trận đã chủ động đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác Mặt trận, nhất là việc kiến nghị sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận các cấp và phụ cấp cho Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn…Do vậy, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã từng bước củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống có đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được phân công.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 35-KL/TW về các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó, đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được nâng lên một bậc trong hệ thống chức danh lãnh đạo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xếp một dòng riêng. Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Như vậy, có thể khẳng định rằng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả hệ thống chính trị đã và đang rất quan tâm đến công tác Mặt trận. Vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam được nâng lên một bước rõ rệt.
Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho xây dựng 4 đề án: Đề án xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024-2029; Đề án chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024-2029. Nếu chúng ta triển khai thực hiện hiệu quả 4 đề án này thì chất lượng cán bộ, hiệu quả công tác chắc chắn sẽ được nâng lên.
Đặc biệt, trong công tác xoá đói, giảm nghèo, tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, gia tăng sự chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Hành trình vì người nghèo cần lắm những người cán bộ cơ sở sâu sát thực tiễn, đồng cảm, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó tham mưu kịp thời với cơ quan chức năng có liên quan để các chế độ, chính sách sát hợp với từng địa bàn, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch.