Âm nhạc và biến tướng thật, giả
Công nghệ đang hiện diện trong các hoạt động âm nhạc, từ sáng tác, biểu diễn đến nghiên cứu, đào tạo… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn có chuyện thật giả lẫn lộn.
“Xem nhạc” chứ không nghe nhạc
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm nhạc đang có nhiều thay đổi với những cách làm, cách tiếp cận khán giả hoàn toàn mới. Công nghệ số đã giúp cho quá trình sản xuất âm nhạc dễ dàng hơn và tiết kiệm thời gian. Nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc có thể sử dụng phần mềm và công cụ kỹ thuật số để tạo ra âm nhạc trên máy tính và thiết bị di động vô cùng thuận lợi.
Hay trong lĩnh vực biểu diễn, với sự hỗ trợ của công nghệ, các ca sĩ xuất hiện trước công chúng không chỉ cuốn hút ở phần nghe mà còn cả ở phần hình, với các hiệu ứng từ âm thanh, ánh sáng.
Phát triển của kỹ thuật số cũng mang tới thay đổi trong cách thức tiếp nhận, thưởng thức âm nhạc của công chúng. Thay vì tới một buổi biểu diễn, giờ đây chỉ với một thiết bị thông minh, ở bất cứ nơi đâu, khán giả cũng có thể thưởng thức đa dạng những sản phẩm âm nhạc theo ý muốn, tự do phản biện, bày tỏ quan điểm, ý kiến… về chương trình, nghệ sĩ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hữu ích, công nghệ cũng đang làm chính những người trong cuộc và khán giả phải bối rối bởi những hệ lụy của nó. Tham gia đào tạo, nghiên cứu âm nhạc nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Đại học Sài Gòn cho biết, đối với các sản phẩm âm nhạc, chỉ bàn về mặt chất lượng, người ta dễ dàng nhận thấy hàm lượng nghệ thuật, văn hóa, kể cả tính chất thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa... đều có thể bị đẩy xuống do kỹ thuật công nghệ đã có đủ khả năng thay thế. Nhiều người bây giờ “xem nhạc” chứ không nghe nhạc.
Bà Liêm bày tỏ, đôi khi công nghệ tham gia “làm giả” nghệ thuật, có thể biến đổi một giọng hát tầm thường thành khác thường, thậm chí là “phi thường”. Hiện nay có nhiều phần mềm có thể “biến” giọng hát dầy hơn, màu sắc hơn, nghệ sĩ vào phòng thu có thể yên tâm vì kỹ thuật có thể giúp sửa sai về cao độ, tiết tấu. Chưa kể, người ta có thể tách phần “beat” nhạc (nhạc nền, nhạc đệm) của người khác để đưa vào đó phần hát của mình và biến thành… sản phẩm của mình.
“Như thế, phần tài năng nghệ thuật, cảm xúc nghệ thuật, sự điêu luyện cần có của nghệ sĩ trở nên ít cần thiết, tác phẩm nghệ thuật mất đi cái phần “hồn” do người nghệ sĩ không phải tư duy, thể hiện gì cả mà dựa vào kỹ thuật công nghệ” - bà Liêm chia sẻ.
Tìm giá trị thật cho âm nhạc
Vài năm gần đây, Rap đang trở thành một hiện tượng âm nhạc phổ biến và chiếm sóng so với tất cả các thể loại nhạc giải trí. Cùng với sự bùng nổ này, tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn như đạo nhạc, nhạc nhái, nhạc chế trên không gian mạng cũng ở mức báo động. Thậm chí, có những sự thành công bất chợt tạo nên những ngộ nhận từ phía khán giả về giá trị thật sự của âm nhạc.
Báo động hơn là nhiều sản phẩm âm nhạc dễ dãi, thậm chí là dung tục, phản cảm, chỉ mới xuất hiện đã nhận ngay những phản ứng tiêu cực đến từ khán giả, giới truyền thông hay những nhà nghiên cứu văn hóa. Mới đây nhất, “Fever” của Tlinh và Coldzy có ngôn từ liên tưởng tới chuyện “18+” đã khiến đông đảo công chúng bất bình. Trong ca khúc này, 2 nghệ sĩ Gen Z đã sử dụng những lời lẽ phản cảm, trần trụi, thô tục, khiến người nghe thấy xấu hổ… Phát hành từ ngày 4/6, sau hơn 3 tuần, “Fever” đã có gần 1 triệu lượt nghe cùng hàng nghìn bình luận trên YouTube. Ngoài ra, bài hát này lan truyền trên các trang nhạc trực tuyến với lượt tương tác rất cao; thậm chí, ở nền tảng TikTok, “Fever” còn được sử dụng làm nhạc nền cho hơn 4.000 videos.
Theo nhạc sĩ Hoài An, một sản phẩm âm nhạc muốn tiếp cận công chúng phải có sự thống nhất ở cả 3 khâu: người sáng tác, ca sĩ trình diễn và nhà sản xuất. Chỉ cần 1 trong 3 khâu này trục trặc thì sản phẩm không thể ra đời. Ví dụ, nhạc sĩ sáng tác mà thấy bài hát của mình bị sửa lời thì có quyền không đồng ý; ca sĩ đọc lời thấy quá thô tục thì có quyền không hát; nhà sản xuất sẽ không bỏ tiền đầu tư nếu thấy sản phẩm không đóng góp gì tích cực cho cuộc sống… Thế nhưng, một số bài hát hiện nay tiêu cực từ hình ảnh cho đến ca từ, trần trụi, phản cảm, dung tục khiến cho người nghe dễ bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là những bạn trẻ chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống.
Có thể nói, với sự hỗ trợ của công nghệ, các nền tảng mạng xã hội, những sản phẩm phản nghệ thuật, “rác văn hóa” lại đánh trúng tâm lý tò mò của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Từ đó mà nhiều nghệ sĩ dẫu vẫn biết sáng tạo của mình là phi giá trị, nhưng họ vẫn chấp nhận chọn lối đi này để tạo sự chú ý cũng như tìm kiếm lợi nhuận.
Vì vậy, nhạc sĩ Hoài An cho rằng, cùng với việc tiếp nhận tinh hoa của công nghệ, cần phải điều chỉnh quy định chế tài xử lý, có thể hạn chế độ tuổi xem, đưa ra cảnh báo hoặc gỡ bỏ, phát hành văn bản thông báo vi phạm… Bên cạnh đó, cần tăng mức xử phạt đối với những sản phẩm âm nhạc sử dụng ngôn từ tục tĩu hay những hình ảnh phản cảm, dung tục, những sản phẩm cổ xúy cho các tệ nạn xã hội…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn những loại nhạc như thế này không phải dễ, nếu như không có sự phối hợp từ cơ quan chức năng và của chính những người sản xuất âm nhạc. Ngoài ra, người nghe cũng nên có sự chọn lọc, để những loại nhạc rác với ngôn từ và hình ảnh phản cảm không còn đất diễn.