Cánh cửa rộng mở cho học sinh sau THCS
Tốt nghiệp lớp 9, học sinh có nhiều lối đi để lựa chọn, ngoài trường THPT công lập còn có trường tư thục, trường nghề… Hiện nhiều em đã chủ động chọn hệ 9+ để vừa học văn hóa kết hợp với học nghề, sớm có việc làm trong khi cơ hội liên thông lên đại học vẫn rộng mở.
Cao điểm tuyển sinh hệ 9+
Trường Cao đẳng (CĐ) Công thương Việt Nam cho biết, đến thời điểm này nhà trường đã tuyển sinh được hơn 700 học sinh (HS) 9+ trong số hơn 1.000 chỉ tiêu của năm học 2024 - 2025. So với năm học 2023, số lượng tuyển sinh năm nay đông hơn, cũng phù hợp với xu hướng chủ động chọn ngành, chọn trường của nhiều HS và gia đình khi nhiều em không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập mà nộp hồ sơ ngay khi kết thúc năm học. Theo lịch, nhà trường sẽ nhận hồ sơ đến hết ngày 20/7, nếu hết chỉ tiêu tuyển sinh trước thời hạn này thì nhà trường sẽ chốt danh sách sớm hơn.
“Hiện còn 300 chỉ tiêu cho các ngành Công nghệ thông tin, Kế toán, Kỹ thuật chế biến món ăn, Điện tử công nghiệp, tiếng Trung, tùy cơ sở đào tạo. Nhà trường hiện có 3 cơ sở đào tạo và học viên có thể liên hệ để được tư vấn về ngành học, điểm chuẩn, vị trí thuận lợi nhất với điều kiện hoàn cảnh của mình” - ông Nguyễn Tá - cán bộ phòng Tuyển sinh của Trường thông tin.
Về học phí, hệ 9+ CĐ chính quy của trường từ 350.000 - 700.000đ/1 tháng (tùy cơ sở đào tạo). Với hệ 9+ CĐ chất lượng cao, học phí là 1.600.000đ/1 tháng, sẽ vừa học văn hóa, vừa học ngoại ngữ. HS được lựa chọn 1 trong 5 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Đức để theo học.
Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội đang là giai đoạn cao điểm tuyển sinh hệ 9+. Năm nay trường tuyển sinh 630 chỉ tiêu và đã tuyển được khoảng 500 HS cho 2 cơ sở. Trong đó, ngành Công nghệ ô tô đã dừng tuyển sinh vì đủ chỉ tiêu. Các khối ngành khác thu hút số đông HS quan tâm đó là ngành Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Chăm sóc sắc đẹp… Một số HS vừa muốn học văn hóa vừa học chuyên sâu về ngoại ngữ thì chọn ngành tiếng Anh.
Với thế mạnh là HS được học văn hóa ngay trong khuôn viên trường với cơ sở vật chất hiện đại, phòng học có camera và điều hòa, sân chơi xanh hóa, có ký túc xá cho HS ở xa và bằng tốt nghiệp THPT của HS sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp nên sức hút của hệ 9+ luôn rất lớn. Chất lượng nhập học hệ này khá cao. Ghi nhận năm học 2023 - 2024, tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt khoảng 98%, nhiều em sau đó tiếp tục học liên thông lên CĐ hoặc xét tuyển vào các trường đại học trong nước.
Lý giải về sức hút của hệ 9+ những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng học phí phần học văn hóa thấp tương đương với các trường THPT công lập, trong khi phần học nghề được cấp bù học phí theo Nghị định số 81 của chính phủ. Nhiều trường tặng học bổng, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để HS vừa học tập, thực tập và trải nghiệm trong môi trường làm việc, sớm hình thành kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt, cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp hoặc có thể lựa chọn học liên thông các bằng cấp cao hơn rất thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian so với các hình thức đào tạo khác.
Cụ thể, sau 3 năm học, HS sẽ được cấp 2 bằng là THPT và trung cấp. Nếu em nào muốn học liên thông lên CĐ thì sẽ học thêm 1 năm nữa nếu học đúng chuyên ngành hoặc học thêm 2 năm với việc chọn chuyên ngành khác với bằng trung cấp.
Rõ con đường, rõ mục tiêu
Em Vũ Thu Hường và Kiều Anh Tú (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã quyết định chọn học nghề Cơ điện tử tại Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội năm học 2024 - 2025 trong sự ngạc nhiên của thầy cô, bạn bè xung quanh. Trước đó, 2 em đã có kết quả trúng tuyển vào Trường THPT Thạch Thất với số điểm 39,5 và 34,25, vốn là mơ ước của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Chia sẻ về lựa chọn này, 2 em cho biết có anh trai và các anh chị em họ đã theo học tại trường này nên cũng có mong muốn sớm đi làm để làm chủ tương lai. Các em đặt mục tiêu nỗ lực học và sẽ đi du học Hàn Quốc sau khi hoàn thành chương trình học hệ CĐ 9+ tại đây.
Ủng hộ sự lựa chọn của con, chị Trần Thị Thủy (phụ huynh em Kiều Anh Tú) cho rằng, chọn CĐ, trung cấp thực hành đang là xu hướng lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Điều này vừa là sự chuyển dịch phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế, đồng thời cũng phản ánh những thay đổi theo hướng tích cực trong cách nhìn nhận, lựa chọn định hướng nghề nghiệp của HS.
Học nghề không còn là sự lựa chọn cuối cùng của thế hệ Gen Z. Quan niệm học dốt mới đi học nghề đã không còn đúng với thời đại ngày nay. Đặc biệt, chính những thành công rõ nét trong việc đào tạo của các trường nghề đã đem lại niềm tin cho người học và toàn xã hội. Những tấm gương đi trước thành công chính là sự khẳng định lựa chọn đúng đắn của các em hôm nay, chọn học nghề và nỗ lực hoàn thành chặng đường học tập của mình, sớm sở hữu kỹ năng, kiến thức để gia nhập thị trường lao động.
Hiện nay kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn luôn rất căng thẳng với sự cạnh tranh gắt gao, nhiều HS gặp thất bại và tự trách mình. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, kết quả không mong muốn, buồn là lẽ dĩ nhiên nhưng điều quan trọng là HS rút ra được bài học từ đây. Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại được bản thân mình quan trọng hơn cả việc đỗ hay trượt, điểm cao hay điểm thấp.
Lời khuyên lúc này là cần xem xét nguyện vọng, năng lực, cân nhắc điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn học nghề hay học tiếp bậc THPT tại các trường ngoài công lập. Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường trước khi đăng ký cho con theo học như điều kiện học tập, phương pháp giáo dục, không nghe theo những quảng cáo trên mạng.
“Việc chọn trường quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là sự chủ động của chính bản thân HS, bởi dù trường có tốt đến mấy nhưng các em không chịu học cũng không thể đem lại hiệu quả cao” - ông Lâm nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, có nhiều cánh cửa rộng mở với HS sau khi tốt nghiệp THCS. Các em dù chưa đỗ theo nguyện vọng ban đầu cũng đừng quá bi quan, buông xuôi. Hãy điều chỉnh lại cảm xúc, mục tiêu của mình, đôi khi chúng ta đang đặt ra mục tiêu quá cao, quá cầu toàn. Hãy tìm cách để tạo động lực cho bản thân không bỏ cuộc, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những nguồn tin cậy để đạt được mục tiêu tốt hơn.
TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội:
Người thật, việc thật, niềm tin thật
Chính sách phân luồng sau THCS đến nay đã đạt được những kết quả rõ nét. Nhiều HS sở hữu bảng thành tích học tập tốt, đỗ trường THPT công lập và sau đó quyết định chọn học trường nghề. Bên cạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức xã hội về học nghề đã có hiệu quả thì nguyên nhân quan trọng là thực tế chính là bằng chứng tốt nhất, thuyết phục nhất.
Đã có hàng nghìn HS tốt nghiệp tốt nghiệp hệ 9+ trong những năm qua. Trong số đó, nhiều em có việc làm tốt, thu nhập cao, học xong hệ 9+ có thể đi làm luôn với kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo hoặc tiếp tục thuận lợi học liên thông lên đại học theo hướng xét tuyển chuyên môn thay vì xét tuyển theo tổ hợp môn học như HS tốt nghiệp THPT. Thời gian đào tạo cũng được rút ngắn rất nhiều, sẽ tiết kiệm được chi phí cho gia đình.
Tuy nhiên, người học và gia đình cần có những tìm hiểu kỹ lưỡng từ nhiều kênh thông tin khác nhau để chọn được ngôi trường phù hợp với nguyện vọng của gia đình, tránh việc chỉ tin theo quảng cáo, đến khi vào học mới phát hiện những bất cập thì lãng phí thời gian, tiền bạc.