Sức khỏe

Bao giờ hết cảnh người bệnh chờ thuốc?

Đức Trân - Minh Quang 12/07/2024 08:29

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện đã diễn ra một thời gian dài, dù nhà quản lý đã vào cuộc để giải tỏa những điểm nghẽn nhưng ở thời điểm hiện tại, thực trạng thiếu thuốc tại một số bệnh viện vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng lớn tới việc chữa bệnh của người dân.

anh-cv.jpg
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện vẫn chưa được khắc phục. Nguồn: BVĐK Hà Tĩnh.

Người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế

Đưa con tới thăm khám theo diện bảo hiểm tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chị N.H.L. (34 tuổi, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, việc không thể mua đủ thuốc theo đơn là tình trạng thường gặp. “Bệnh viện (BV) cho biết không có đủ tất cả thuốc trong đơn thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, người bệnh phải ra hiệu thuốc gần bệnh viện để mua” - chị L. kể.

Cũng trong tình trạng tương tự, trên một hiệu thuốc gần BV Việt Đức, anh V.H.C. đang phải mua dây truyền, dung dịch thay băng, bơm tiêm… theo đơn của bác sĩ để chuẩn bị cho ca mổ của người nhà vào ngày hôm sau.

Còn tại BV E, ông Nguyễn Công Hựu - Giám đốc BV cho biết: Gần đây BV tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị gãy chân. Tuy nhiên, thời điểm đó BV không có nẹp để điều trị cho người bệnh.

Thực tế ghi nhận cho thấy, mặc dù Luật Đấu thầu đã có hiệu lực hơn 7 tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 hướng dẫn thi hành luật này, Bộ Y tế cũng ban hành được 4 thông tư liên quan, nhưng đến nay tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư tại BV công lập vẫn xảy ra.

Theo lý giải từ phía Bộ Y tế, thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn kể từ sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Nguyên nhân khách quan do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc Bộ Y tế nhận được nhiều thông tin về tình trạng thiếu nguồn cung thuốc đang xảy ra ở các nước trên thế giới kể cả châu Âu, Mỹ; một số thuốc hiếm không thuộc danh mục thuốc được thanh toán BHYT, không có nguồn kinh phí chi trả cho các thuốc này…

Bên cạnh đó, thiếu thuốc còn do một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động trong việc lập kế hoạch, đặt hàng với nhà cung ứng, đặc biệt là các thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, thuốc chuyên khoa phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở sản xuất nước ngoài. Các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc như thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…

nguoi-dan-cho-kham-chua-benh-tai-bv-da-lieu-trung-uong-anh-minh-quang-.jpg
Người dân chờ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Minh Quang.

Đấu thầu còn nhiều bất cập

Giải thích nguyên nhân, nhiều nhà quản lý BV cho rằng, thực trạng BV không cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong số này, có những nguyên nhân khá nan giải.

Ông Dương Đức Hùng - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức giải thích, độ trễ của một gói thầu là 4 tháng, nên chưa thể giải quyết ngay tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư khi Thông tư hướng dẫn vừa mới ban hành: “Vừa rồi đã có một số quy định mới về đấu thầu, cho phép BV có thể mua được những mặt hàng tốt hơn. Nhưng những văn bản mới vừa ban hành vẫn phải chờ độ trễ của một gói thầu là 4 tháng. Làm sao mà văn bản vừa ban hành hôm trước, hôm sau giám đốc BV có thể nói BV đã có đủ thuốc, vật tư rồi. Phải chờ ít nhất 4 tháng sau mới có thể biết được tác động thay đổi của chính sách”.

Còn ông Nguyễn Công Hựu - Giám đốc BV E thì cho rằng, công tác thầu thuốc và vật tư y tế vẫn còn bất cập.

“Khi làm thầu, riêng về mảng vật tư hoặc thuốc, BV sẽ làm gói một năm. Bệnh nhân tăng hoặc giảm sẽ tác động đến việc thuốc và vật tư y tế thiếu hoặc thừa. Ví dụ, chỉ 10 ngày nữa tới gói thầu mới, nhưng gói thầu cũ hết hạn thì BV sẽ thiếu một số mặt hàng. Không chỉ thế, hiện nay có hai nguồn để BV có thuốc phục vụ bệnh nhân. Thứ nhất là gói thuốc chung của quốc gia do Bộ Y tế đứng ra thầu, thứ hai là địa phương do Sở Y tế đứng ra thầu. Khi mặt hàng không thuộc hai nhóm này, BV phải đứng ra thầu. Khi đó, BV phải chờ công văn để mua thuốc. Trong thời gian chờ như vậy, bệnh viện rơi vào tình trạng không đủ thuốc để cung cấp cho bệnh nhân” - ông Hựu nói.

Cũng theo Giám đốc BV E, các BV để tìm được người thành thạo về mua bán, hiểu luật là không dễ. Do đó, nhiều BV không có đơn vị mua sắm chuyên nghiệp. Trong khi đó, thuốc, vật tư, hóa chất cũng như nhà cung cấp thay đổi liên tục.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tước - Giám đốc BV Sản Nhi tỉnh Bắc Giang thông tin, từ ngày 1/7/2024 tới nay, công tác mua sắm trang thiết bị vật tư y tế tại các BV hầu hết đình trệ.

“Nguyên nhân là do từ 1/7, Luật Giá sửa đổi năm 2023 chính thức có hiệu lực thế nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn. Đây là Luật có tác động rất lớn tới công tác mua sắm tại BV, vì có những quy định mới về thẩm định giá. Do vậy, mọi việc hiện tại đều đang dậm chân tại chỗ. Thực tế tình trạng này cũng đã từng diễn ra, đó là khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thì vài tháng sau mới có Thông tư hướng dẫn” - ông Tước cho hay.

Phải đảm bảo quyền lợi người bệnh tham gia BHYT

Trước đó, một trong những nguyên nhân gây tình trạng thiếu thuốc trong năm 2023 được chỉ ra do liên quan đến quy định thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành định kỳ (5 năm) sau khi được cấp mới. Khi thuốc hết hạn đăng ký lưu hành sẽ không được phép sử dụng tại các cơ sở y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã tập trung mọi nguồn lực vào việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Tính đến hết tháng 10/2023, Cục Quản lý Dược, đã có 9 đợt công bố các thuốc để gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2024. Cụ thể, Cục đã ban hành danh mục 11.866 thuốc, trong đó, có khoảng 9.200 thuốc trong nước, hơn 2.400 thuốc nước ngoài và hơn 200 vaccine. Cục cũng đã cấp mới và gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 cho hơn 4.300 thuốc và 79 thuốc là biệt dược gốc…

Tuy nhiên, nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng thuốc vẫn được đặt ra khi xuất hiện khoảng trống - Nghị quyết 80/2023/QH15 hết hiệu lực sau ngày 31/12/2024, nếu không sớm có phương án đảm bảo áp dụng các giải pháp chuyển tiếp có hiệu lực từ cuối năm 2024, để tiếp tục duy trì, hiệu lực của hàng nghìn giấy đăng ký lưu hành thuốc đã được kéo dài thời hạn theo Nghị quyết 80.

Cùng đó, theo quy định của Luật Dược 2016, thuốc mới phải được đăng ký với Cục Quản lý Dược trước khi lưu hành tại thị trường Việt Nam và thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành tối đa là 12 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, thuốc mới thường mất 2-3 năm, thậm chí 4-5 năm để được cấp giấy đăng ký lưu hành vì quá trình này còn nhiều bất cập về quy định hành chính, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp vì nguồn lực hạn chế.

Mới đây tại phiên họp 35, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng người bệnh tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh không có đủ một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục thuốc do BHYT chi trả. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh tham gia BHYT.

Cũng tại phiên họp này, nêu ý kiến về tình trạng thiếu thuốc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm dẫn báo cáo nêu tình trạng thiếu một số thuốc, thiết bị y tế trong danh mục chi trả BHYT ở một số nơi, vẫn chưa đảm bảo, người dân phải mua bên ngoài.

"Trước đây, Bộ trưởng Y tế có trả lời trước Quốc hội và khẳng định không thiếu, các cơ chế, chính sách đảm bảo cho BV thực hiện, nhưng có vẻ các BV sau quá trình thực hiện chưa giải quyết được vướng mắc, hạn chế này, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người bệnh nghèo, khám chữa bệnh BHYT nhưng không có thuốc, phải mua bên ngoài" - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết. Theo đó, cần hết sức quan tâm, có các biện pháp cụ thể để giải quyết. Đặc biệt, cần làm rõ thiếu thuốc do trách nhiệm của ngành y tế hay do thực tế khách quan.

Trước tình hình trên, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong thời gian tới; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đảm bảo cung cấp thuốc BHYT cho người bệnh; tăng cường đầu tư hạ tầng số, phục vụ người dân.

Luật Ðấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và Nghị định số 24/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực từ ngày 27/2/2024 được cho là đã có nhiều điểm mới, giúp tháo gỡ nút thắt trong mua sắm y tế. Tuy nhiên, theo BS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, chưa có sự phân nhóm các loại thuốc vật tư, trang thiết bị một cách cụ thể, đâu là những hạng mục dành cho các cơ sở y tế được phép chủ động đấu thầu mua sắm, đâu là những mặt hàng thuộc diện đấu thầu tập trung cấp tỉnh, cấp trung ương... Vì thế các bệnh viện vẫn khó chủ động mua sắm.

Đức Trân - Minh Quang