Giáo dục

Thuận lợi từ số hóa dữ liệu

Lam Nhi 12/07/2024 09:10

Ngành giáo dục đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) của hơn 26 triệu học sinh, sinh viên. Đây là cơ sở để phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng; tuyển sinh đầu cấp thuận lợi.

anhbaitren(2).jpg
Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội không cần giấy tờ xác minh nơi cư trú. Ảnh: Trần Oanh.

Tiết kiệm thời gian

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải thông tin, đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã hoàn thành xây dựng 100% các CSDL của ngành giáo dục. Trong đó, đối với CSDL giáo dục mầm non, đã số hóa dữ liệu của gần 22.000 cơ sở giáo dục và nhóm trẻ độc lập, gần 500.000 hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em. Đối với dữ liệu cơ sở GDPT, đã số hóa dữ liệu của hơn 26.000 cơ sở giáo dục; gần 800.000 hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh (HS).

Đặc biệt, CSDL ngành giáo dục đã kết nối thành công với các CSDL quốc gia. Từ năm 2022, CSDL ngành giáo dục đã kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và HS (đạt tỷ lệ gần 98%). CSDL ngành giáo dục cũng đã làm giàu cho CSDL quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.

Hiện nay các cơ sở đào tạo đang tiếp tục rà soát cập nhật dữ liệu sinh viên (SV) ra trường để có báo cáo đánh giá, phân tích tin cậy. Với số lượng cán bộ giáo viên là công chức, viên chức lớn, hiện hệ thống đã kết nối với CSDL quốc gia về công chức viên chức do Bộ Nội vụ quản lý, đã thực hiện báo cáo được gần 18.000 hồ sơ viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ trên tổng số 20.000 lên có sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% HS khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ gần 700.000 thí sinh đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.

Một điểm cộng quan trọng đó là nhờ dữ liệu sạch, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống CSDL ngành giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp. Mỗi năm phục vụ hàng triệu thí sinh thực hiện tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT sử dụng dịch vụ này.

Nhiều địa phương như Hà Nội khi đăng ký tuyển sinh đầu cấp cho con em đã không cần nộp giấy xác nhận nơi cư trú mà chỉ cần cung cấp thông tin họ tên kèm mã định danh cá nhân. Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT lưu ý, các nhà trường tuyệt đối không yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ của HS đi xác minh thông tin cư trú mà việc này sẽ do nhà trường và phía công an phối hợp xác minh.

Dữ liệu tin cậy

Hiện nay, vấn đề việc làm của SV và tỷ lệ SV có việc làm sau ra trường đang là mối quan tâm của nhiều người. Theo quy định của Bộ GDĐT, từ mùa tuyển sinh năm 2018, các trường đại học phải công bố công khai tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước. Đây là căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Nhưng từ những số liệu các trường đại học công bố, nhiều người đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của những báo cáo này. Đặc biệt là sự vênh nhau trong những thống kê này so với thống kê về tỉ lệ SV tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố hàng quý, hàng năm.

Cụ thể, "Báo cáo tình hình việc làm của SV sau tốt nghiệp giai đoạn 2018 - 2021" được Bộ GDĐT công bố cho thấy tỷ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp 12 tháng những năm gần đây đều ở mức trên 90%, chỉ riêng năm 2019, tỷ lệ này đạt 86,68%.

Với việc dần hoàn thiện CSDL của ngành GDĐT đang triển khai, TS Nguyễn Sơn Hải cho biết, hệ thống đã kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm và có những thử nghiệm bước đầu trong việc xác định việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. Từ việc nhập dữ liệu của các trường, hơn 237.000 trong khoảng 500.000 SV tốt nghiệp năm 2022 lên hệ thống cho thấy hệ thống đồng bộ được dữ liệu của 146.000 người.

Kết quả cho thấy có hơn 97.000 hồ sơ khớp thông tin định danh và đã có mã số bảo hiểm xã hội. Số này được xem là đã có việc làm ổn định. Trong đó, trên 29.300 hồ sơ có thông tin về loại hình, lĩnh vực ngành nghề; 95.300 hồ sơ có thông tin liên quan đến chức danh, vị trí việc làm.

Như vậy, khi dữ liệu được số hóa và đồng bộ hoàn toàn, việc xác định tỉ lệ việc làm của SV sau khi tốt nghiệp sẽ không chỉ từ báo cáo của nhà trường mà sẽ được kiểm chứng cụ thể với thông tin từ việc đối chiếu với dữ liệu gốc, trở thành cơ sở tin cậy để người học chọn ngành, chọn trường phù hợp.

Lam Nhi