Tránh tình trạng thuế chồng thuế đối với doanh nghiệp
Sau 14 năm thi hành, Luật Khoáng sản năm 2010 đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có việc thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp. Cùng đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 117 điều, 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Nội dung của dự thảo Luật bám sát vào 5 chính sách, với những điểm mới đáng chú ý như: quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế...
Theo ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ được tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Phát biểu tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ý kiến từ đại diện DN khai thác khoáng sản cho biết, nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì một DN hoạt động trong lĩnh vực này đang phải đóng nhiều loại thuế và phí khác nhau, gồm thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng; nhóm các loại phí và lệ phí bao gồm phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, phí điều tra, thăm dò khoáng sản (hoàn trả cho Nhà nước), phí bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Cùng với đó là nhóm các loại tiền nộp ngân sách khác như: tiền ký quỹ phục hồi môi trường, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước...
Do đó, đại diện DN đề xuất nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Việc này tránh tạo ra hiện tượng thuế chồng thuế, khiến nhiều DN hoạt động khoáng sản rơi vào tình cảnh khó khăn, kể cả các DN ở quy mô lớn do các quy định về xác định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho rằng Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho hạ tầng kỹ thuật, nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu số, trang thiết bị, công nghệ phục công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản (công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái...). Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ...