Bàn giải pháp quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Ngày 12/7, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Hội thảo "Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi".
Hội thảo do Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức. Hội thảo đã mang đến những chia sẻ, thảo luận về tình hình thực thi chính sách, những kinh nghiệm, các mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn và vai trò của các bên liên quan trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Kể từ năm 2020, khái niệm KTTH đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh: "Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại".
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường mong rằng kết quả buổi hội thảo ngày hôm nay giúp đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện chính sách, các cơ chế khuyến khích, các quan hệ đối tác/ sáng kiến nhiều bên, các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Tại tỉnh Quảng Ninh, với sự phát triển nhanh chóng của các ngành dịch vụ công cộng, du lịch, thương mại… đã phát sinh một lượng chất thải rắn, ngày càng gia tăng, đa dạng về số lượng và chủng loại. Mặc dù công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý vẫn còn có các hạn chế nhất định, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang rất được quan tâm, đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng như di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Một số mô hình quản lý chất thải rắn hướng tới kinh tế tuần hoàn đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, là điển hình cho các địa phương trong cả nước nghiên cứu, tham khảo, và nhân rộng.
Ông Đoàn Duy Vinh, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: " Một trong các nhiệm vụ tỉnh đã xác định cần ưu tiên thực hiện là sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh".
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe những chia sẻ về cách xử lý rác thải rắn như các mô hình xử lý chất thải kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Hitachi Zosen; vai trò then chốt của Cộng đồng trong quản lý rác thải bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên; kết quả nghiên cứu chính về xây dựng tài khoản chất thải rắn tại Quảng Ninh; công tác quản lý chất thải rắn tại vịnh Hạ Long...
Bên cạnh đó, các đại biểu đã được chia thành từng nhóm, bao gồm nhóm quản lý, nhóm doanh nghiệp và nhóm tổ chức cộng đồng để cùng thảo luận về thực trạng, khó khăn và giải pháp để quản lý hiệu quả chất thải rắn. Những kinh nghiệm, mô hình quản lý chất thải gắn với xây dựng nền kinh tế tuần hoàn đã mang đến nhiều góc nhìn, gợi mở nhiều giải pháp để từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường bền vững.