Xã hội

Những hoạt động ý nghĩa vì một Hạ Long xanh

Thanh Phương 12/07/2024 17:40

Bằng nhiều cách làm khác nhau, từ việc thu gom rác thải trên bờ biển đến việc tái chế rác thải đã qua sử dụng, những người dân Hạ Long đang ngày ngày nỗ lực, cùng chung tay vì một mục tiêu là gìn giữ Hạ Long thêm xanh – sạch – đẹp.

Cùng chung tay bảo vệ môi trường

z5626712749424_787385e859f1c4745f4c3aba4dd3ea50.jpg
Những thành viên trong nhóm Vì một Hạ Long xanh có mặt tại bãi biển Bãi Cháy để nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh.

Ngay từ sáng sớm chủ nhật, hàng chục người trong sắc áo cờ đỏ sao vàng đã có mặt tại bãi biển Bãi Cháy (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), trên tay cầm bao dứa, găng tay, kẹp… để sẵn sàng cho buổi nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh. Ai nấy đều vô cùng háo hức, vui mừng vì bản thân mình đã góp được một chút công sức nhỏ bé vào việc đảm bảo vệ sinh môi trường cho thành phố thân yêu bên bờ di sản.

Có mặt cùng mẹ từ sáng sớm, bé Chí Kiên (3 tuổi) tỏ ra vô cùng hào hứng, cậu bé nhanh nhẹn nhặt từng cành củi, chiếc túi nilong bị sóng đánh vào bờ. Chị Thẩm Thị Hương Giang (mẹ của bé Chí Kiên) kể: “Ngay từ ngày đầu tham gia, tôi đã cho bé đi cùng. Đây không chỉ là hoạt động giúp con hiểu hơn về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để 2 mẹ con thêm gắn kết, vui chơi và có cho nhau những khoảnh khắc đáng nhớ”.

z5626712718966_593896b5bd9f30008499d3375555ce7c.jpg
Các bạn nhỏ cùng tham gia hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường.

Hoạt động này đã được nhóm “Vì một Hạ Long xanh” duy trì đều đặn trong suốt 2 năm qua, chiều thứ 7 nhóm sẽ hoạt động tại Công viên Lán Bè và sáng chủ nhật tại bãi biển Bãi Cháy. Ngoài ra, trong những đợt cao điểm thu gom phao xốp nuôi hàu trên vịnh hay đợt mưa lũ vào ngày 10/6 vừa qua khiến rác thải trôi dạt vào bờ, nhóm cũng phối hợp cùng với các lực lượng chức năng để tham gia dọn dẹp.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nguyễn Đăng Huy (trưởng nhóm Vì một Hạ Long xanh) chia sẻ: “Tôi thành lập nhóm từ đầu tháng 5/2022, đến nay đã được 2 năm, số lượng thành viên từ khoảng 20 người trong những ngày đầu giờ đã lên gần 600 người. Mỗi buổi thu gom rác thải sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi với sự tham gia của từ 10-30 thành viên, trong đó có cả những bác lớn tuổi hay những bạn nhỏ”.

z5626712725447_0ce2796df2c879e7ebf34d137c2bae2b.jpg
Hoạt động nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh của nhóm Vì một Hạ Long xanh đã diễn ra đều đặn trong suốt hơn 2 năm qua.

Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào đối với mảnh đất Hạ Long xinh đẹp, anh Huy đã thành lập nên nhóm và phát động nên hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường.

“Tôi rất vui vì hoạt động đã được nhiều người ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Mong rằng qua những hoạt động này sẽ lan tỏa tình yêu môi trường, ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người dân cũng như du khách để cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, từ đó gìn giữ Hạ Long luôn là thành phố đáng sống, là một điểm đến xanh sạch, hấp dẫn với mọi người”, anh Huy bày tỏ.

Lượng rác thải sau khi thu gom sẽ được phân loại, đối với những loại rác tái chế như vỏ lon, chai nhựa, bìa carton… sẽ được gửi đến nhóm thiện nguyện Hoa Hướng Dương, nguồn tiền thu được sẽ được cho vào quỹ hỗ trợ thực hiện nồi cháo yêu thương cho các bệnh nhân u bướu tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Trong thời gian tới, nhóm Vì một Hạ Long xanh mong muốn sẽ thực hiện được các chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường đến với đối tượng là các bạn học sinh, hướng tới một thế hệ yêu môi trường, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp.

Những hành trình mang tên “hồi sinh” rác thải

Bên cạnh việc thu gom và phân loại rác thải, những người dân Hạ Long đã có nhiều cách làm sáng tạo, độc đáo để tái chế những loại rác thải.

z5267290547429_c1d4a579fdd88d817521a67453e84056.jpg
HTX Green Life được nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm mô hình "sống xanh".

Năm 2019, HTX Green Life Hạ Long (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) của chị Trần Thị Hương đã chính thức được thành lập. Tại đây, banner quảng cáo cũ được “hô biến” trở thành những chiếc túi xinh xắn. Cùng với đó, tận dụng vải bò từ quần áo cũ, chị Hương mày mò, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm tái chế ấn tượng.

Theo thống kê, mỗi tháng HTX Green Life Hạ Long thu gom và tái chế 1 tấn banner quảng cáo cũ và gần 500 kg vải thừa. Từ những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi, chị Hương và 8 thành viên trong HTX đã làm ra gần 10.000 sản phẩm/tháng như túi tote, túi xách, balo, phụ kiện...

Thông qua những hoạt động của mình, HTX Green Life Hạ Long đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về “sống xanh” bảo vệ môi trường, tái chế rác thải trở thành những món đồ hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Trong suốt gần 5 năm qua, nơi đây đã trở thành điểm đến của nhiều du khách muốn trải nghiệm, khám phá mô hình tái chế.

w_anh-ghep-ba-buc-anh-gia-dinh-tranh-in.png
Những mảnh thủy tinh được sắp xếp, sau đó dính keo vào để cố định trên khung tranh.

Từ những chiếc chai, lọ thủy tinh bỏ đi, bằng sự sáng tạo và kiên trì, anh Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đã tạo nên những sản phẩm nghệ thuật ấn tượng. Sau khi đập vỡ thủy tinh, anh Thanh cho vào máy mài để bo tròn góc cạnh của những miếng thủy tinh trở nên nhẵn nhụi rồi từ đó ghép lại thành bức tranh hoàn chỉnh.

Những bức tranh từ thủy tinh tái chế của anh Thanh thu hút đông đảo sự quan tâm và theo dõi, nhiều người không khỏi bất ngờ và cảm phục trước sự khéo léo của chàng trai trẻ.

443819604_2867469793413606_904612834620198896_n.jpg
Anh Hứa Duy Thanh trong một buổi ngoại khóa về tái chế rác thủy tinh và thực hành làm tranh từ thủy tinh tái chế dành cho các bạn nhỏ.

Hiện nay, để lan tỏa ý nghĩa của mô hình tái chế rác thủy tinh, anh Thanh đã kết hợp cùng nhiều trường học, đơn vị để tổ chức những buổi ngoại khóa. Buổi học không chỉ cung cấp kiến thức về tái chế, bảo vệ môi trường mà còn khơi gợi sự sáng tạo, trí tượng tưởng để các em tự sắp xếp, làm thành một bức tranh bằng thủy tinh hoàn chỉnh theo ý tưởng của mình.

Chia sẻ cùng PV báo Đại Đoàn Kết, anh Thanh bày tỏ: “Tôi mong rằng thủy tinh tái chế sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, từ đó lan tỏa nhiều hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường và tái chế rác thải. Dẫu bây giờ mới chỉ đóng góp được một phần công sức nhỏ bé trong việc tái chế rác thủy tinh, thế nhưng tôi có niềm tin và sự kỳ vọng về việc phát triển mô hình tái chế của mình”.

Thanh Phương