Tinh hoa Việt

Hành động và hạnh phúc

TRẦN HỮU THĂNG 15/07/2024 06:28

Nhà tâm lý học danh tiếng William James (1842 - 1910) đã có một tổng kết để đời: “Hành động có thể không mang tới hạnh phúc, nhưng không có hạnh phúc nào lại thiếu hành động”.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Hành động là: 1/ Việc làm cụ thể của con người nhằm mục đích nhất định. Thí dụ: Một hành động dũng cảm. Thống nhất ý chí và hành động. 2/ Làm việc cụ thể nào đó, ít nhiều quan trọng, một cách có ý thức, có mục đích. Thí dụ: Bắt đầu hành động. Giờ hành động đã đến”.

Theo gợi ý của William James, bài viết nhỏ này tìm sự liên quan, tầm quan trọng, sự gắn kết của cặp đôi “Hành động” và “Hạnh phúc”.

Trong việc giáo dục bình dân, đơn giản ở nước ta có một cách mô tả rất dễ hiểu, rất cụ thể dành cho những ai không muốn động tay động chân mà lại muốn có thứ này thứ kia, đó là: “Há miệng chờ sung rụng”, hoặc “Muốn ăn thì lăn vào bếp” để nhắc nhở mọi người phải biết tự lực cánh sinh, không nên trông chờ, hy vọng vào ai kể cả những miếng ăn nhỏ nhất hàng ngày, nếu không “lăn vào bếp” thì sẽ chẳng có gì mà ăn.

Nhiều người vẫn còn nhớ bài thơ động viên con người hăng hái hành động để tìm kiếm hạnh phúc cho mình của thi sĩ H.W.Longfellow (1807 - 1882) như sau: “Hãy đứng lên và bắt tay vào công việc/ Với quyết tâm dù kết quả ra sao/ Chưa thành công vẫn nên theo đuổi mãi/ Học đợi chờ và rèn luyện gian lao”. Bài thơ này có vần điệu hay, kể cả nguyên bản tiếng Anh lẫn bản dịch tiếng Việt nên có nhiều người thuộc.

12b.jpg
Tranh: ITN.

Longfellow đã nói hoàn toàn đúng. Đừng cứ ngồi suy nghĩ, bàn tán nhiều quá, cứ phải bắt tay ngay vào làm thì mới rút ra được kinh nghiệm. Nếu thành công thì tốt, nếu chưa thành công thì cũng chẳng có gì lạ. Phải tập cách suy nghĩ tích cực và lạc quan thì mọi e ngại, sợ thất bại, sợ mọi người nhòm ngó, bình phẩm, chê cười... mới được gạt bỏ.

Thế rồi với thời gian, với kinh nghiệm, với sự từng trải, con người lớn khôn, trưởng thành dần dần và đạt được kết quả này, kết quả kia. Nhưng tất cả đều phải có giây phút quyết liệt ban đầu là: “Hãy đứng lên và bắt tay vào công việc”. Đáng quý và đáng yêu thay cái mệnh lệnh kín đáo mà thân thương ấy trong mỗi con người chúng ta.

Lúc còn tuổi thanh thiếu niên, chúng ta lấy kết quả trong học tập, trau dồi kiến thức làm lẽ sống, làm niềm vui, làm động lực hành động để chuẩn bị cho tương lai lâu dài. Lúc học xong Đại học, Trung cấp dạy nghề hoặc có trong tay một công việc ổn định để mưu sinh, chúng ta cũng luôn lấy mọi hành động tích cực, hướng thiện làm niềm vui hàng ngày và là động lực phấn đấu cho ngày mai.

Đúng như triết gia người Anh, ông Hubert Lyautey (1854 - 1906) đã tổng kết: “Mọi cái vui của tâm hồn đều nằm trong hành động”.

Trong nguyên bản tiếng Anh, cái vui của tâm hồn cũng chính là hạnh phúc nội tâm mà ai ai cũng mong muốn có được. Như vậy là nhờ có Lyautey nói hộ ta từ hàng trăm năm về trước mà ta cứ thấm thía dần dần cái cảm giác, cái niềm vui hạnh phúc là phải đi đôi với học tập, làm việc, nói chung là phải hành động cụ thể, phải tạo ra được sản phẩm, phải có một kết quả cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là khát khao, là hy vọng rồi cứ để năm tháng trôi đi uổng phí.

Đừng bao giờ để mất thời gian, đừng bao giờ bỏ phí tuổi thanh xuân mà phải bắt tay ngay vào công việc, phải động não, động tay, động chân thì mới tạo ra được một con người năng động và có ích.

Triết gia J.Andrew (1818 – 1867) đã hướng dẫn chúng ta rất cụ thể: “Hãy dành nhiều thì giờ để thảo luận, nhưng khi giờ hành động đã tới hãy thôi suy nghĩ và khởi sự ngay”.

Câu châm ngôn này tuy ngắn nhưng hết sức quan trọng, nó xác định rõ từng giai đoạn, từng thời gian giữa sự tính toán, cân nhắc và giờ phút hành động. Nếu chưa tính toán được đường đi nước bước kỹ càng, chi tiết thì chớ nên hành động vội vàng. Còn khi đã bắt tay vào việc rồi thì phải tận tâm, tận lực, không được phép bàn lùi hay trì hoãn gì nữa.

Nên nhớ: Người quyết tâm, người cương quyết là người thành công, là người sẽ tìm thấy niềm vui, tìm thấy hạnh phúc. Còn ai hay chần chừ, sẽ bỏ mất thời cơ vì tính toán vẩn vơ không dứt khoát, chắc chắn sẽ thất bại, sẽ bỏ phí cơ hội, bỏ phí thời gian.

Trong vở kịch kinh điển “Macbeth”, đại văn hào Shakespeare (1564 - 1616) khẳng định một điều quan trọng đã trở thành một danh ngôn để đời: “Cái gì đáng phải làm, không nên không làm”. Câu này của Shakespeare cũng như vở kịch “Macbeth” đã trở thành mẫu mực của mọi thời đại chính là nó cô đọng mọi suy nghĩ, mọi suy tư, mọi tình cảm để dẫn đến việc phải quyết tâm làm bằng được, quyết tâm thực hiện bằng được đối với những “cái gì đáng phải làm”.

Có tác giả đã tóm tắt cái quyền lợi và cái nghĩa vụ của một con người là: Mình chịu ơn Tổ quốc, quê hương, gia đình, xã hội ... đã giúp đỡ cho mình có cuộc sống ấm no hạnh phúc thì nghĩa vụ cần phải làm nhất là: Phải biết ơn, đền ơn những người đã giúp đỡ, hy sinh cho mình.

Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đây chính là tiêu chuẩn số 1 trong đạo lý làm người, tức là phải có lòng biết ơn.

Triết gia Julia F.Carney (1823 - 1908) đã rất biết cách động viên con người khi ông nhận xét: “Một việc làm lương thiện cùng với một ít tiếng nói yêu thương tức là chúng ta đã làm cho quả đất thành một vườn địa đàng giống như Thiên đàng trên kia”.

Đúng thật như thế, qua thực tế cuộc sống, không cần đến những hô hào đao to búa lớn, chỉ cần sự đóng góp bình thường, đều đặn hàng ngày của những con người giản dị, mộc mạc mà chúng ta có một xã hội ổn định, tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Điều này có nghĩa là xã hội đã phân công mỗi người một việc, cứ yên tâm mà làm cho tốt công việc được giao đó, chính là đã hoàn thành được cái đóng góp của mình cho xã hội.

Người ta hay nhắc đến lời dạy của Lão Tử, một triết gia cổ đại danh tiếng khi ông định nghĩa về một người hạnh phúc.

Lão Tử đã viết: “Hạnh phúc của một người là; người nấu cơm yên tâm làm tốt việc nấu cơm, người chẻ củi yên tâm chẻ củi cho tốt”. Đó chính là một xã hội bình yên, hạnh phúc và con người yên tâm làm tốt việc đã được phân công.

Trên thực tế, để đạt được xã hội như thế, những con người sống an tâm như thế cũng thật không dễ dàng gì, mà phải có nhiều phấn đấu, nhiều nỗ lực mới đạt được cái trạng thái: bình tĩnh, an tâm, an lòng như thế.

Trong thực tế cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường âm thầm kính phục những “chiến sĩ vô danh”, những người thầm lặng cống hiến cho đời, họ không hề khoe khoang, không hề tô vẽ đánh bóng cho mình. Đó là những người công nhân vệ sinh môi trường, họ quét rác trong cả đêm giao thừa để sáng mùng 1 Tết mọi người được hưởng cái sạch, cái đẹp của ngày đầu năm.

Đó là các chiến sĩ quân đội bảo vệ biên giới xa xôi, lạnh lẽo, giữ cho Tổ quốc luôn được bình yên, hạnh phúc. Đó là những người thầy thuốc, người điều dưỡng âm thầm cấp cứu tính mạng con người tính từng giây, từng phút, mỗi ngày, mỗi đêm.

Tất cả những tấm gương âm thầm hành động hy sinh cao cả để đem lại hạnh phúc cho người khác đã được bậc thầy triết học Blaise Pascal (1623 - 1662) hết sức ca ngợi trong một danh ngôn đáng quý như sau: “Hành động đẹp mà được giấu kín là đáng kính trọng nhất”. Câu này rất chuẩn để đánh giá một công việc, một hành động, một con người thật sự có tâm, có đức, có lòng nhân hậu, chứ không phải là một hành động không vô tư, có chủ ý, có ý đồ không trong sáng. Tiêu chuẩn “giấu kín” mà Pascal nêu ra đã giúp cho từng cá nhân và tập thể nhanh chóng nhận ra “ai là ai” trong cuộc sống hàng ngày.

Luận bàn về mối liên quan giữa “hành động cụ thể” và “mưu cầu hạnh phúc” còn nhiều nội dung, nhiều chi tiết cần bàn bạc, mổ xẻ, phân tích thêm nữa, song nếu cần tóm tắt lại cho dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ làm thì có mấy ý kiến sau đây:

Triết gia người Italia, ông Garibaldi (1807 - 1882) đã thẳng thắn nêu ra: “Hãy cho tôi những cánh tay sẵn sàng hơn là những cái lưỡi sẵn sàng”. Ý kiến này hoàn toàn chính xác vì mọi hành động để tìm kiếm hạnh phúc chắc chắn phải cần đến những cánh tay khỏe mạnh, cần cù, chăm chỉ chứ quyết không cần đến những cái lưỡi nói hay, nói ngọt.

Đông phương cổ học Tinh hoa đã viết: “Thiên hạ nan sự tất tắc ư dị, thiên hạ đại sự tất tắc ư tế” (tạm dịch: Việc khó trong đời phải làm từ chỗ dễ. Việc lớn trong đời phải làm từ chỗ nhỏ). Ý kiến này hoàn toàn chính xác, vì nếu không thành công từ chỗ dễ, chỗ nhỏ thì lấy đâu ra có chuyện khó, chuyện lớn mà thành công được.

TRẦN HỮU THĂNG