Nắng nóng tiếp tục thiêu đốt nhiều nơi trên trái đất
Thông tin từ Cơ quan theo dõi Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, châu lục này có thể sẽ phải trải qua tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay.
Trên phạm vi toàn cầu, theo Copernicus, trong tháng 6 vừa qua, nhiệt độ trung bình cao hơn 0,67 độ C so với giai đoạn 1991 - 2020 và vượt mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 6/2019. Nắng nóng đã ảnh hưởng nặng nề đến khu vực đông nam châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, miền đông Canada, miền tây nước Mỹ, Mexico, Brazil, bắc Siberia, Trung Đông, bắc châu Phi và nhiều quốc gia châu Á. Tháng 6 vừa qua cũng là tháng thứ 15 liên tiếp các đại dương trên thế giới (chiếm hơn 2/3 bề mặt trái đất) phá kỷ lục về nhiệt độ.
Trong khi đó, ngày 13/7, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), ngày 4/7 vừa qua đã trở thành ngày nóng nhất khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt kỷ lục mới: 17,18 độ C, cao hơn mức 17 độ C được ghi nhận 1 ngày trước đó. Đây là 2 mức nhiệt cao nhất kể từ ngày 24/7/2022, thời điểm nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 16,92 độ C. NOAA dự báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể còn tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) ngày 13/7 cho hay, khoảng 162 triệu người, tương đương gần một nửa dân số Mỹ đang sống trong khu vực cảnh báo nắng nóng. Trong số những khu vực ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục là Las Vegas, Nevada, có ngày đạt mức nhiệt cao nhất lịch sử của vùng là 48,9 độ C. Còn khu vực đông nam và Bờ Đông nước Mỹ cũng ghi nhận nắng nóng ngột ngạt. Chính quyền các khu vực từ Florida tới Massachusetts đã ban hành cảnh báo phòng ngừa nắng nóng và nhiệt độ cao nguy hiểm.
Nắng nóng được coi là nguyên nhân gây ra một số ca tử vong ở miền Tây nước Mỹ. Cuối tuần trước, một người đi xe máy thiệt mạng nghi do sốc nhiệt ở Thung lũng Chết (California), nhiều người khác phải nhập viện. Khu vực này là một trong những nơi nóng nhất ở trái đất, đã ghi nhận nhiệt độ 53 độ C vào ngày 12/7.
“Đây là đợt sóng nhiệt chưa từng có” - Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu Đại học California nhận xét và cho rằng nhiệt độ cao cũng góp phần gây ra cháy rừng ở California. Còn theo nhà khí tượng học Bryan Jackson của NWS, cảnh báo nhiệt độ hiện đã được đưa ra ở cấp độ cao nhất đối với khoảng 36 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số Mỹ.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), gần 1.220 người tử vong mỗi năm do nhiệt độ bất thường. Tuy nhiên, con số này dường như đang tăng lên, khi Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết, năm ngoái có tới 2.302 người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng.